29/05/2021 - 08:07

Mỹ điều tàu sân bay duy nhất ở châu Á tới Trung Đông 

Lầu Năm Góc dự kiến sẽ triển khai hàng không mẫu hạm duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến Trung Ðông để hỗ trợ việc rút quân khỏi Afghanistan. Ðiều này có thể khiến Mỹ đối mặt với sự thiếu hụt sức mạnh trên biển trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc leo thang. 

Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển qua đảo Iwo Jima trên Thái Bình Dương hôm 22-5. Ảnh: U.S. Navy

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan tại cảng nhà ở Yokosuka (Nhật Bản) sẽ đến Afghanistan từ mùa hè này và sẽ hoạt động tại đây tới 4 tháng. Trong thời gian đó, Hải quân Mỹ sẽ không có tàu sân bay nào hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương.

Giới phân tích cho rằng động thái điều tàu USS Ronald Reagan có thể để lại khoảng trống lớn của Mỹ trong khu vực vào thời điểm Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện ở Biển Ðông và vùng biển gần Ðài Loan. Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (​Singapore) nhận định Trung Quốc có thể lợi dụng quyết định di chuyển tàu sân bay Mỹ làm bằng chứng cho lập luận của nước này rằng Washington không thể giữ vững các cam kết ở châu Á. “Ðó sẽ là thông tin hữu ích cho hoạt động tuyên truyền của Bắc Kinh. Chính phủ nhiều nước trong khu vực cũng sẽ lo ngại về lỗ hổng trong thế trận quân sự của Mỹ”, ông Koh bình luận.

Việc để lại khoảng trống về tàu sân bay Mỹ ở châu Á dường như đi ngược lại với các ưu tiên quốc phòng của Washington. “Chiến lược quốc phòng mới nhất của Mỹ nêu rõ ưu tiên hàng đầu là đối phó với thách thức quân sự từ Trung Quốc thay vì tiếp tục can dự vào các cuộc chiến tại Trung Á và Trung Ðông. Vì thế, có chút ngạc nhiên khi biết tàu sân bay duy nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương bị rút khỏi khu vực này”, Thomas Shugart, thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói.

Tầm quan trọng  của USS Ronald Reagan

USS Ronald Reagan là tàu sân bay tiền phương duy nhất của Hải quân Mỹ. Ðây là khí tài quân sự lớn và mạnh mẽ nhất của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Hè năm ngoái, 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz từng tham gia cuộc tập trận chung ở Biển Ðông. Tuy nhiên, chiếc USS Nimitz đã trở lại bang Washington vào tháng 3-2021 sau gần 1 năm lênh đênh trên biển. Trong khi đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hồi tháng rồi được điều động đến Biển Ðông để thúc đẩy tự do hàng hải, nhưng chiếc này đã trở về cảng ở San Diego (bang California) vào ngày 25-5.

Các hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ có chiều dài hơn 335m, nặng 97.000 tấn. Trên mỗi tàu có 75 máy bay, bao gồm các chiến đấu cơ F/A-18. Hạm đội 7 đóng ở Nhật cho biết việc triển khai USS Ronald Reagan tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương sẽ giúp tàu di chuyển tới các căn cứ dự phòng trong khu vực nhanh hơn 17 ngày so với các tàu sân bay được điều động từ Mỹ.

Hạm đội 7 thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka. Ðây là hạm đội tiền phương lớn nhất của Mỹ, sở hữu 60-70 tàu chiến, 300 máy bay cùng 40.000 binh sĩ hải quân và thủy quân lục chiến.

Những giải pháp của Mỹ

Carl Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ) tin rằng Washington vẫn có những khí tài khác để thay thế khi USS Ronald Reagan được thuyên chuyển tới Trung Ðông. Theo đó, tàu tấn công đổ bộ mang theo chiến đấu cơ F-35 đang đồn trú tại Nhật Bản có thể tạm thời lấp chỗ trống của USS Ronald Reagan tại các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng có thể điều máy bay ném bom tới Biển Ðông trong thời gian USS Ronald Reagan vắng mặt. Dù không có được sự hiện diện mạnh mẽ như tàu sân bay nhưng ít nhất hành động này cũng giúp gửi đi thông điệp tương tự về mặt chính trị, theo chuyên gia Schuster.

Hơn nữa, việc triển khai USS Ronald Reagan tới Trung Ðông có thể diễn ra cùng thời điểm nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh thực hiện chuyến thăm Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. HMS Queen Elizabeth đã rời cảng Portsmouth ở phía Nam nước Anh hồi tuần rồi để bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 28 tuần nhằm thực hiện một loạt nhiệm vụ về ngoại giao, thương mại và quốc phòng.

HẠNH NGUYÊN (Theo Fox News, CNN)

Chia sẻ bài viết