17/02/2021 - 19:00

Mỹ điều chỉnh quan hệ với Saudi Arabia 

Nhà Trắng vừa thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ thay đổi mối quan hệ với đồng minh Saudi Arabia và thực hiện hoạt động ngoại giao thông qua Quốc vương Salman bin Abdulaziz, thay vì Thái tử Mohammed bin Salman.

Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Biden, Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Getty Images

Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Biden, Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Getty Images

“Từ đầu chúng tôi đã nói rõ rằng sẽ điều chỉnh quan hệ với Saudi Arabia”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói với báo giới hôm 16-2. Bà Psaki cho rằng đối tác của Tổng thống Biden là Quốc vương Salman bin Abdulaziz và vào thời điểm thích hợp, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ có cuộc trao đổi với nhân vật này.

Thông báo trên đã đánh dấu sự đảo ngược bất ngờ trong chính sách của Mỹ dưới thời ông Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump. Dưới thời ông Trump, Nhà Trắng xây dựng mối quan hệ gần gũi với Thái tử Mohammed bin Salman, hai bên cùng hợp tác về nhiều vấn đề, bao gồm giải quyết cuộc bao vây ngoại giao liên quan Qatar và các quốc gia Vùng Vịnh khác. Jared Kushner, con rể của ông Trump và là cố vấn cấp cao, thường xuyên liên lạc với vị thái tử đầy quyền lực.

Thái tử Mohammed bin Salman được xem là nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia, nắm giữ nhiều vai trò, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng và là người sẽ kế vị ngôi vua. Nhưng Thái tử Mohammed bin Salman cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng Yemen; trấn áp hàng loạt hoàng thân, nhà tài phiệt nắm giữ nhiều quyền lực trong hoàng gia. Dấu hỏi về vấn đề nhân quyền còn được dấy lên từ sau vụ nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018. Tuy chính quyền Riyadh phủ nhận vai trò của Mohammed bin Salman, song vụ án đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thái tử trên trường quốc tế.

Nay ông Biden gây sức ép buộc Saudi Arabia cải thiện vấn đề nhân quyền, trong đó có việc phóng thích các tù nhân chính trị. Gần đây, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ ngừng mọi sự hỗ trợ đối với các hoạt động tấn công quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu ở Yemen. Chủ nhân Nhà Trắng mô tả cuộc xung đột này đã gây ra “thảm họa chiến lược và nhân đạo”. Song song đó, Mỹ cũng đình chỉ thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi Arabia giữa lúc Washington xem xét lại các hợp đồng bán khí tài trị giá hàng tỉ USD mà chính quyền Trump đã ký trước đó.

Không dễ cho chính quyền ông Biden

Tuy nhiên, Saudi Arabia cũng sẽ khiến Tổng thống Biden khó xử. Việc có liên lạc với Thái tử Mohammed bin Salman hay không và liên lạc như thế nào là một trong số những bài toán ngoại giao hóc búa nhất mà chính quyền ông Biden sẽ đối mặt. Vai trò trung tâm của Thái tử Mohammed bin Salman đã được cựu Tổng thống Trump chấp nhận, thấy rõ qua các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia, thậm chí bênh vực vị thái tử này sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi cũng như bảo vệ ông ta trước các lệnh trừng phạt liên quan vấn đề nhân quyền. Do chỉ mới 35 tuổi, Mohammed bin Salman được cho là tương lai của Saudi Arabia. Bởi vậy, tờ Politico đặt câu hỏi chính quyền Biden có đủ khả năng phớt lờ nhân vật đầy quyền lực này?

Về vấn đề này, một số cựu quan chức Mỹ nhận định đội ngũ của ông Biden không có lựa chọn nào ngoài việc trực tiếp liên lạc với Thái tử Mohammed bin Salman, nếu Washington muốn đạt được các mục đích, chẳng hạn như kết thúc chiến tranh ở Yemen và kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 16-2 thông báo đưa phong trào Houthi ở Yemen ra khỏi danh sách bị trừng phạt. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump về việc liệt Houthi là tổ chức khủng bố, sau khi Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức cảnh báo rằng quyết định này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới tại quốc gia Tây Á.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết