03/12/2021 - 07:55

Mỹ củng cố các căn cứ quanh Trung Quốc 

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc sẽ tập trung củng cố các căn cứ quân sự ở đảo Guam và Úc để chuẩn bị khả năng đối phó các thách thức từ Trung Quốc.

Một góc căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: Stripes

Động thái trên được thúc đẩy bởi Báo cáo đánh giá hoạt động bố trí quân của nước này trên toàn cầu (GPR) mà Tổng thống Joe Biden đã lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thực hiện hồi tháng 2. Ðánh giá này là bí mật nhưng Mara Karlin, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách đã tiết lộ một số chi tiết trong GPR. Theo Tiến sĩ Karlin, Tổng thống Biden “gần đây đã chấp nhận” những phát hiện và khuyến nghị của ông Austin từ GPR. Bà Karlin cho biết thêm Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung vào khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, bởi Bộ trưởng Austin xem “Trung Quốc là thách thức ngày càng gia tăng” đối với Lầu Năm Góc.

Ðể đối phó Trung Quốc, GPR chỉ dẫn Bộ Quốc phòng Mỹ “tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm thúc đẩy các sáng kiến góp phần vào sự ổn định của khu vực và ngăn chặn sự gây hấn tiềm năng của quân đội Trung Quốc cũng như mối đe dọa từ Triều Tiên”, trong đó gồm nâng cao cơ sở hạ tầng ở Guam và Úc, ưu tiên xây dựng các công trình quân sự ở các quần đảo Thái Bình Dương cũng như tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận đối với các hoạt động đối tác quân sự. Không những vậy, GPR cũng yêu cầu Lầu Năm Góc tập trung nhiều hơn vào Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương bằng cách giảm số binh sĩ và thiết bị ở những khu vực khác trên khắp thế giới để “tăng cường khả năng sẵn sàng tác chiến và gia tăng các hoạt động” tại khu vực này.

“Ở Úc, bạn sẽ thấy máy bay chiến đấu và máy bay ném bom luân phiên được triển khai. Bạn cũng sẽ thấy các lực lượng trên bộ được huấn luyện cũng như công tác hậu cần sẽ được tăng cường. Ðặc biệt, trên khắp khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, bạn sẽ chứng kiến một loạt cải tiến về cơ sở hạ tầng ở Guam, Quần đảo Bắc Mariana và Úc, gồm các cơ sở hậu cần, kho chứa nhiên liệu, kho chứa đạn dược và sân bay” - Trợ lý Bộ trưởng Karlin nói trong một cuộc họp báo. Trong đó, các sân bay sẽ được cải tạo để có thể hỗ trợ Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng chuyển quân vào và ra khỏi khu vực khi tham gia tập trận hoặc khi xảy ra xung đột.

Trước đó, các quan chức cấp cao Mỹ và Úc hồi đầu năm nay cũng đã thảo luận các lựa chọn nhằm mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước, gồm đề xuất thành lập một lữ đoàn thủy quân lục chiến chung và lữ đoàn huấn luyện Lực lượng Quốc phòng Úc có trụ sở tại thành phố Darwin. Gần đây, Úc, Mỹ và Anh còn chính thức ký thỏa thuận cho phép trao đổi “thông tin nhạy cảm” về công nghệ động cơ hạt nhân theo khuôn khổ quan hệ đối tác an ninh tăng cường ba bên AUKUS.

Theo bà Karlin, khi thực hiện GPR, Mỹ đã có “khoảng 75 cuộc tham vấn” với các đồng minh và đối tác, gồm các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và hơn 10 đối tác ở Trung Ðông và châu Phi. Thế nhưng, giới phân tích quốc phòng cho rằng việc GPR thiếu điều chỉnh đáng kể đối với các lực lượng quân sự ở châu Á cho thấy những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong việc tái cân bằng nguồn lực để đối đầu với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì các cam kết toàn cầu khác.

Guam là một hòn đảo nằm ở phía Tây Thái Bình Dương và là một lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Guam là cứ điểm quân sự gần nhất của Mỹ đối với Trung Quốc đại lục (cách nhau khoảng 300 hải lý). Nơi đây có căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân MariaNas. Ngoài ra, Mỹ còn có các căn cứ không quân phụ trên Quần đảo Bắc Mariana, cách đảo Guam gần 136 hải lý về phía Đông Bắc.

Mỹ hiện có 2 căn cứ quân sự tại Úc, gồm căn cứ do thám Pine Gap của cộng đồng tình báo tại Alice Springs (Lãnh thổ Bắc Úc) và trạm viễn thông hải quân Harold E. Holt ở Tây Úc. Từ thời Chiến tranh Lạnh, Pine Gap phục vụ như là căn cứ giám sát, theo dõi tín hiệu vệ tinh, khí thải vi sóng, radar chống tên lửa và máy bay. Harold E. Holt cung cấp thông tin liên lạc truyền dẫn vô tuyến tần số thấp giữa các tàu hải quân Mỹ và Úc ở Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương.

TRÍ VĂN (Theo CNN, ABC News)

Chia sẻ bài viết