09/05/2025 - 05:35

Mỹ cân nhắc thay đổi chiến lược khi drone chiếm lợi thế 

Trong cuộc chiến Ukraine, máy bay không người lái (drone) giá rẻ đang cho thấy hiệu quả trên chiến trường khi được sử dụng để phá hủy các vũ khí đắt tiền. Xu hướng này buộc các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ phải suy nghĩ về cách sử dụng hệ thống khí tài trị giá hàng triệu USD trong các cuộc xung đột tương lai.

Xe tăng chủ lực thế hệ thứ 3 Abrams do Mỹ sản xuất. Ảnh: US Army

Hiện tại, Ukraine trang bị thêm lớp giáp cho xe tăng Abrams và các hệ thống khác, bao gồm xe tăng do châu Âu sản xuất cũng như xe chiến đấu bọc thép mà Mỹ cung cấp. Mục tiêu là để bảo vệ những thiết bị đắt tiền này khỏi các cuộc tấn công từ máy bay không người lái do Nga sản xuất. Theo các chuyên gia quân sự, tổn thất xe bọc thép giữa 2 bên liên quan trong cuộc xung đột hiện rất lớn. Cụ thể, trang web tình báo nguồn mở Oryx cho biết kể từ khi cuộc chiến bùng phát vào tháng 2-2022, Nga mất hơn 12.600 xe bọc thép và ít nhất 3.900 xe tăng trong khi con số thiệt hại của Ukraine lần lượt hơn 4.400 xe bọc thép cùng với 1.100 xe tăng.

Không chỉ trên đất liền, những chiếc drone còn gây ra mối đe dọa không nhỏ đối với tài sản trên biển. Theo đó, việc Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công sử dụng phương tiện không người lái chứa đầy thuốc nổ, thậm chí còn được nâng cấp để phóng tên lửa đã buộc Hạm đội Biển Đen của Nga phải rút lui khỏi các căn cứ an toàn ở Crimea. Trong diễn biến mới nhất, một đàn drone tấn công của Ukraine vào rạng sáng ngày 7-5 đã xé toạc bầu trời đêm phía trên căn cứ không quân Kubinka của Nga, gây ra hỏa hoạn dọc theo đường bay của một cơ sở đóng vai trò là nơi đồn trú của các đội bay nhào lộn uy tín nhất của Không quân Nga. 

Thay đổi vai trò truyền thống của xe tăng

Năm ngoái, Nga cho biết đã sản xuất 1,5 triệu máy bay không người lái. Trong số này, chiếc drone dòng FPV đặc biệt nguy hiểm đối với xe tăng M1 Abrams có giá khoảng 10 triệu USD do Mỹ sản xuất. Theo lời chỉ huy của một chiếc M1 Abrams, xe dựa vào lớp giáp bảo vệ bổ sung và khả năng tác chiến điện tử để đảm bảo an toàn nhưng tổn thất là vẫn có.

Điều đó một lần nữa cho thấy sử dụng drone giá rẻ để gây hư hại hoặc phá hủy các thiết bị chiến đấu đắt tiền như xe tăng, các loại xe bọc thép, hệ thống phòng không và thậm chí cả tàu chiến là chiến thuật chiến tranh bất đối xứng hiệu quả. Nó phản ánh tính dễ bị tổn thương của các loại vũ khí lớn và đắt giá hơn nhưng lại không được bảo vệ đầy đủ. Đặc biệt, với lực lượng chiếm ưu thế trên không trong thời gian dài như quân đội Mỹ, sự phổ biến của drone giá rẻ đang làm gia tăng các mối lo ngại khi Lầu Năm Góc chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga ở châu Âu hoặc một cuộc chiến với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Trong một phát biểu mới đây, tân Bộ trưởng Lục quân Mỹ Daniel P. Driscoll cho biết tổn thất nặng nề của các lữ đoàn bọc thép ở Ukraine khiến nhiều chỉ huy quân đội phải e dè khi điều động xe tăng trên tiền tuyến nếu không có biện pháp phòng thủ chắc chắn. Điều đó dẫn đến những đánh giá rằng xe tăng có thể đã lỗi thời trong các cuộc chiến do máy bay không người lái thống trị.

Trong bối cảnh này, ông Driscoll cho biết Washington sẽ phải xem xét lại chi phí những gì đang mua hoặc chế tạo thay vì cứ tiếp tục bơm tiền vào những cỗ máy tinh vi trị giá hàng triệu USD nhưng lại dễ dàng bị tiêu diệt bởi những chiếc drone chỉ vài trăm USD. Theo Bộ trưởng Lục quân, điều cần làm nữa hiện nay là tinh gọn lực lượng và thay đổi vai trò của xe tăng. Thay vì các cuộc tấn công kết hợp vũ trang do thiết giáp chỉ huy, các hệ thống không người lái giờ đây có thể đi trước trong cuộc tấn công. Xe tăng sẽ ở lại các vị trí an toàn, được bảo vệ cho đến khi đủ điều kiện tiến về phía trước. Hoạt động này khác biệt so với vai trò truyền thống là lực lượng tấn công tiên phong và dẫn đầu các hoạt động đột phá trên tiền tuyến của xe tăng, nhưng các nhà hoạch định quân sự coi đây là điều cần thiết trước những thay đổi về ưu thế trên chiến trường.

MAI QUYÊN (Theo MSN, Business Insider)

Chia sẻ bài viết