02/05/2020 - 10:44

Mưu đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc
Kỳ 1: Hung hăng bắt nạt và chiêu trò nghiên cứu khoa học 

Trong bối cảnh thế giới đang gồng mình tập trung ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), Trung Quốc lẽ ra phải có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế đẩy lùi đại dịch COVID-19, vốn được cho khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán của họ. Đằng này, Bắc Kinh lại “thừa nước đục thả câu” hòng đẩy nhanh mưu đồ “nuốt trọn” Biển Đông của mình. 

Tàu chiến và chiến đấu cơ thuộc hải quân Trung Quốc “diễu võ dương oai” ở Biển Đông.

Ngày 17-2, một khinh hạm Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa lực vào tàu hải quân Philippines tại gần đá Công Đo trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Quân đội Philippines cho rằng đây là hành động thể hiện “sự thù địch và khiêu khích” của Trung Quốc. Theo hãng tin AP, Philippines đang hiện diện tại ít nhất 9 đảo và thực thể ở Trường Sa. Bắc Kinh tuyên bố các đảo và thực thể mà Philippines đang nắm giữ thuộc tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Đến ngày 23-3, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc đã lập 2 trạm nghiên cứu trên hai đá Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở này do Trung tâm nghiên cứu tích hợp đảo và đá ngầm thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc quản lý, có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở Trường Sa. Trước đó, một trung tâm nghiên cứu đã được xây dựng trên đá Vành Khăn, cũng thuộc quần đảo Trường Sa. Chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), lưu ý rằng lợi dung chiêu bài “khoa học dân sự” là một trong những “chiêu trò” để Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. 

Đến ngày 2-4, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động thô bạo, hung hăng, “lấy thịt đè người” của tàu hải cảnh Trung Quốc gây phẫn nộ dư luận Việt Nam, khu vực và cộng đồng quốc tế. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. 

Ngày 14-4, theo dữ liệu quan sát Marine Traffic, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và sau đó đến gần vùng biển Malaysia. Chính Hải Dương địa chất 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam hơn 100 ngày năm 2019. Sự hiện diện của Hải Dương địa chất 8 có thể được coi là nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc thông qua các đợt khảo sát. Theo Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ), khảo sát là một khâu rất quan trọng để triển khai binh lính. “Trung Quốc hiện thiết lập các cơ sở nghiên cứu trên đảo nhân tạo và họ biết rõ việc khảo sát này quan trọng như thế nào” - Tiến sĩ Nagao bình luận. 

 Cùng với tàu Hải Dương địa chất 8 quay lại Biển Đông trong bối cảnh thế giới chật vật đối phó với đại dịch COVID-19, truyền thông Trung Quốc đồng thời công bố thông tin nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông để tổ chức tập trận, cho thấy Bắc Kinh muốn “diễu võ dương oai” bắt nạt các bên tranh chấp ở Biển Đông. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22-4  lên án: “Chúng ta đã thấy Trung Quốc đang chèn ép láng giềng ở Biển Đông, thậm chí đi xa đến mức đâm chìm một tàu cá Việt Nam”.

Bên cạnh đó, ông Pompeo cho rằng việc Trung Quốc triển khai lực lượng dân quân biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam và điều tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 đến Biển Đông là nhằm dọa dẫm các nước láng giềng đang thăm dò tài nguyên. “Mỹ phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các quốc gia khác sẽ buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước hành vi này” - Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo.

....................

Kỳ 2:  Từ yêu sách “đường lưỡi bò” đến thủ đoạn “Tứ Sa”

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết