Hai tháng sau nỗ lực trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc suýt thất bại trước sự phản đối của các nhóm nghị sĩ thân Israel trong nước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel muốn khôi phục uy tín chính trị của mình bằng chuyến công cán đến nhà nước Do Thái động thái mới nhất trong chiến dịch nhằm củng cố địa vị của ông trong đội ngũ an ninh quốc gia mới của Tổng thống Barack Obama.
Theo báo Bưu điện Washington (Mỹ), Iran và Syrie là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Hagel ở chuyến công du Trung Đông 6 ngày này, diễn ra không lâu sau hai chuyến đi của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry. Ông cũng sẽ hoàn tất các chi tiết liên quan đến thỏa thuận bán vũ khí trị giá 10 tỉ USD với Israel, Arabie Séoudite và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), trong nỗ lực mà theo họ là “nhằm chống lại mối đe dọa từ Iran”. Thỏa thuận này, được tiết lộ trước thời điểm ông Hagel bắt đầu chuyến đi hôm 21-4, sẽ bao gồm việc cung cấp cho Israel các tên lửa chống ra-đa (chống bức xạ) với khả năng phá hủy hệ thống phòng không của đối phương, ra-đa trang bị cho máy bay chiến đấu, máy bay tiếp nhiên liệu trên không và máy bay vận tải quân sự Osprey V-22. Mỹ cũng sẽ bán nhiều chiến đấu cơ F-16 cho Arabie Séoudite và các tên lửa hiện đại cho UAE.
Phát biểu tại Thủ đô Tel Aviv của Israel, Bộ trưởng Hagel nói rằng thỏa thuận vũ khí của Mỹ với Israel gửi đến Iran một “tín hiệu rất rõ ràng” rằng giải pháp quân sự vẫn là một sự lựa chọn nhằm ngăn chặn quốc gia Hồi giáo tiếp tục mục tiêu muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Hagel cũng khẳng định không có sự rạn nứt nào trong quan hệ giữa Tel Aviv và Washington liên quan đến mối đe dọa từ Iran, dù thừa nhận đôi bên cũng có những quan điểm khác biệt về thời điểm hành động. Đơn cử vào tuần trước, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, Trung tướng Benny Gantz, cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel có khả năng tấn công Iran mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ. Đáp lại, ông Hagel không nói nhà nước Do Thái có thể hành động một mình, mà chỉ nói rằng Israel là một quốc gia có chủ quyền nên “có quyền tự vệ”, song nhấn mạnh cần có thêm thời gian để biết được liệu các biện pháp cấm vận và ngoại giao có thuyết phục Iran thay đổi chính sách hạt nhân của mình hay không.
Giới chức Mỹ cho rằng có lẽ còn lâu số vũ khí trong hợp đồng mới được bàn giao, do đó, chuyến đi của ông chủ Lầu Năm Góc được cho là cũng nhắm tới một mục đích quan trọng hơn, đó là “vùi chôn” những luận điệu phê phán ông được nêu ra bởi một số nhóm nghị sĩ thân Israel trong quá trình phê chuẩn ông làm bộ trưởng quốc phòng. Khi đó, ông Hagel bị chỉ trích là người quá mềm mỏng với Iran nhưng lại khắt khe và thiếu sự ủng hộ dành do Israel một liên minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông, cũng như từng đưa ra những bình luận gần như là “bài Do Thái” nhiều năm trước đó. Ông Hagel và những người ủng hộ một mực bác bỏ những chỉ trích trên và cho rằng chúng là một phần của một chiến dịch bôi nhọ mang động cơ chính trị. Rốt cuộc thì ông cũng được Thượng viện phê chuẩn làm bộ trưởng quốc phòng và kể từ đó, ông đã cố gắng làm việc để ngăn chặn những lời chỉ trích tái diễn.
Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông tiếp đón tại Lầu Năm Góc là Ehud Barak, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc bấy giờ. Rồi trong chuyến công cán nước ngoài đầu tiên đến thăm quân đội Mỹ tại Afghanistan, ông Hagel cho biết Israel sẽ là điểm dừng số một của chuyến công du Trung Đông tiếp theo của mình, sau đó đến Jordanie, Ai Cập, Arabie Séoudite và UAE. Trong khi đó tại quê nhà, Bộ trưởng Hagel đã tranh thủ cảm tình của những nghị sĩ từng phản đối ông đảm nhận chức bộ trưởng quốc phòng, bằng sự quan tâm đặc biệt, và yêu cầu thuộc cấp phản ứng nhanh với bất kỳ mối lo lắng hoặc thắc mắc nào về chính sách từ Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ).
Theo tờ Washington Post, chiến lược của ông Hagel dường như đang gặt hái được một số thành công nhất định. Thượng nghị sĩ Howard Buck McKeon Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện, người từng công khai yêu cầu Nhà Trắng loại bỏ Hagel ra khỏi danh sách ứng viên bộ trưởng quốc phòng hồi tháng 2, nay đã dịu giọng và còn khen ngợi ông Hagel kiểm soát tốt những căng thẳng với Bắc Triều Tiên. Những thượng nghị sĩ từng chỉ trích ông kỳ thị Israel, nhẹ nhàng với Iran và không hiểu rõ Iraq cũng bị thuyết phục tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện hôm 18-4, khi ông Hagel trả lời một cách thoải mái trước những câu hỏi hóc búa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel được cho là không chỉ muốn củng cố vững chắc vị trí của mình ở trong nước, mà qua chuyến công du Trung Đông lần này còn tái khẳng định mối quan hệ của Mỹ với đồng minh Israel vốn gặp nhiều trắc trở trong thời gian qua. Rõ là “nhất cử lưỡng tiện”.
THANH TRÚC