Nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Afghanistan lại gặp cản ngại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rạng sáng ngày 8-9 bất ngờ tuyên bố hủy các cuộc gặp bí mật (riêng rẽ) với các thủ lĩnh lực lượng phiến quân Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Trại David, đồng thời ngưng đàm phán hòa bình sau khi Taliban thừa nhận vừa gây ra vụ đánh bom tại thủ đô Kabul làm 12 người thiệt mạng, trong đó có 1 binh sĩ Mỹ. Theo ông Trump, lãnh đạo Taliban lên đường tới Mỹ giữa lúc vẫn tiến hành các vụ tấn công đẫm máu ở Afghanistan theo kiểu "vừa đánh, vừa đàm" là "một đòn bẩy sai lầm".
Hiện trường vụ đánh bom tại Kabul ngày 5-9 làm 12 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Đây là diễn biến bất ngờ bởi mới hồi giữa tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper còn hoan hỉ thông báo cho giới chức các đồng minh châu Âu về dự thảo thỏa thuận hòa bình với Taliban. Theo đó, Washington có kế hoạch rút 5.400 binh sĩ khỏi Afghanistan và đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda hay nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm bàn đạp tiến hành các vụ tấn công vào Mỹ và các nước đồng minh. 8.400 lính Mỹ còn lại có thể sẽ rút dần theo từng giai đoạn nếu Taliban thực hiện đúng lời hứa, tờ Los Angeles Times cho biết.
Thật ra, ngay lúc ấy nếu tinh ý sẽ không khó để cảm nhận sự không chắc chắn của thỏa thuận khi chủ nhân Lầu Năm Góc từ chối thông tin chi tiết về thời điểm diễn ra đợt rút quân đầu tiên của quân đội Mỹ, hay mức độ tin tưởng của ông vào khả năng Taliban tuân thủ thỏa thuận hòa bình.
Trong khi đó, giới chức Afghanistan tỏ ra không mặn mà với thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban, bởi một thỏa thuận hòa bình đầy đủ nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 18 năm qua tại đây hoàn toàn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan, trong khi cho tới nay Taliban vẫn từ chối thương lượng với Kabul. Nhiều quan chức trong Chính phủ Afghanistan thậm chí bày tỏ quan ngại thỏa thuận nhượng bộ quá nhiều và cho phép Taliban quay trở lại nắm quyền.
Cuối năm 2001, Mỹ và đồng minh mở chiến dịch quân sự lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan để trả đũa vụ khủng bố 11-9 ở xứ cờ hoa khiến 3.000 người thiệt mạng. Lúc cao điểm (năm 2011) Mỹ triển khai tới 100.000 binh sĩ ở đây và hiện con số này là 14.000 người. Tính đến nay đã có hơn 4.000 binh sĩ liên quân quốc tế thiệt mạng trên chiến trường này, trong đó quân nhân Mỹ chiếm đa số. Về chi phí, ước tính Washington đã tiêu tốn gần 1.000 tỉ USD vào cuộc chiến ở quốc gia Tây Nam Á.
Với quyết định mới của Tổng thống Trump cùng các cuộc tấn công dồn dập gần đây của Taliban, xem ra Washington chưa thể sớm rút chân khỏi cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, và người dân Afghanistan còn lâu mới thoát khỏi khói lửa chiến tranh.
QUỐC KHÁNH