|
Loại tàu không người lái đang thử nghiệm của Hải quân Mỹ. |
Các phương tiện bay không người lái (UAVs) đã và đang được Không quân Mỹ sử dụng như là loại vũ khí tiên phong trong các chiến dịch quân sự đầy khó khăn ở hải ngoại. Các công nghệ và ưu thế quân sự của loại thiết bị này cũng đang được Hải quân Mỹ âm thầm phát triển trong chiến lược an ninh mới tại "các vùng biển nóng" trên thế giới, trong đó có vùng Biển Đông.
Báo Sao và Sọc (Stars and Stripes) của Mỹ mới đây cho biết hải quân nước này sẽ tăng cường khả năng do thám tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm tới bằng việc triển khai một phi đội máy bay có người lái mới P-8 Poseidon nhằm thay thế những chiếc P-3 Orions đang đóng tại căn cứ không quân Atsugi ở tỉnh miền Trung Kanagawa của Nhật Bản. Poseidon có thể hoạt động ở tầm cao hơn, nhanh hơn, bền hơn, có hệ thống định vị và giám sát từ xa được nâng cấp tốt hơn so với Orion. Cả hai đều được sử dụng cho mục đích do thám tàu ngầm và xung đột quân sự, nhưng mẫu mới được thiết kế có thể tương tác với loại máy bay không người lái vừa được Hải quân Mỹ tiết lộ là MQ-4C Triton. Những chiếc MQ-4C Triton với khả năng được triển khai đến bất cứ vùng biển nào trên thế giới, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2014 để phối hợp tác chiến với phi đội máy bay không người lái Global Hawk của Không quân Mỹ đang đóng tại căn cứ Andersen trên đảo Guam.
Ngoài chiếc MQ-4C Triton, theo tờ Thời báo châu Á ngày 29-8, Hải quân Mỹ cũng đang thúc đẩy phát triển các loại tàu không người lái dưới lòng biển và trên mặt nước được điều khiển từ xa gọi tắt là UUVs và USVs, hay các phiên bản tự điều khiển như AUVs và ASVs. Bên cạnh chức năng do thám, những loại tàu này có thể phục vụ tác chiến. Tàu không người lái có thân nhỏ gọn, dễ vận hành, chi phí thấp và rất khó bị phát hiện. Chẳng hạn, Hải quân Mỹ đang thử nghiệm chiếc tàu không người lái trên mặt biển (USVs) có tên gọi Spartan Scout với mục đích thành lập một hạm đội tàu chiến lớp USV vùng duyên hải. Loại tàu dự kiến đưa vào hoạt động năm 2015 này có chiều dài 12 mét, trọng tải 7,7 tấn, có khả năng chở 2,3 tấn thiết bị vũ khí, vận tốc đạt khoảng 60km/h, thời gian hoạt động kéo dài 48 giờ. Hải quân Mỹ cũng đang phát triển 3 loại USVs nữa. Chúng có thể được triển khai cho nhiều hoạt động tuần tra, tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ an ninh, rà phá ngư lôi, chống tàu ngầm, chống thiết bị gây nhiễu điện tử và cướp biển.
Giới chức Hải quân Mỹ từng tuyên bố nếu các cuộc tranh chấp lãnh thổ gần đây ở Biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn tiếp tục diễn ra thì Trung tâm chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ có thể đặt thêm căn cứ quân sự mới tại các quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương. Vì thế, dư luận cho rằng việc Trung Quốc đang gây hấn với ý đồ bành trướng gần trọn Biển Đông và một phần lớn Biển Hoa Đông giàu tài nguyên năng lượng và hải sản sẽ khiến các quốc gia đồng minh của Mỹ có thể tiếp tục mở cửa cho sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ, nguy cơ làm dậy sóng các "vùng biển nóng".
KIẾN HÒA
(Theo Stars&Stripes, Atimes)