19/08/2011 - 10:01

Mắc mứu một lời xin lỗi

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các của ông ngày 17-8 đã quyết định không đưa ra lời xin lỗi đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ quân đội Israel sát hại 9 nhà hoạt động nhân đạo Thổ Nhĩ Kỳ trên chuyến tàu vận chuyển hàng hóa thuộc một vùng biển quốc tế đến cứu trợ người dân Palestine tại Dải Gaza hồi tháng 5-2010.

Đài phát thanh quân đội Israel giải thích rằng chính phủ nước này không có ý định xin lỗi vào thời điểm hiện nay và chờ báo cáo kết quả điều tra chính thức của Liên Hiệp Quốc về sự cố mà họ cho là “đáng tiếc” nói trên vào ngày 20-8 tới. Nhưng thật ra, chính LHQ đã hai lần trong năm nay hoãn công bố báo cáo mà nhiều người nhận định “có thể chấn động dư luận” này nhằm tạo cơ hội cho Israel và Thổ Nhĩ Kỳ “làm lành” với nhau. Thế nên, hành động đó của Tel Aviv, theo hãng tin Pháp AFP, không chỉ coi thường thiện ý của LHQ mà còn làm “bẽ mặt” giới cầm quyền Mỹ, đặc biệt là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người mà một ngày trước đó đã gọi điện trực tiếp thúc giục ông Netanyahu xin lỗi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Theo nhật báo Haaretz của Israel, từ nhiều tháng qua, bà Clinton và cả Tổng thống Mỹ Barack Obama đều hối thúc Tel Aviv chủ động giảng hòa với Ankara nhân các chuyến thăm Washington của giới lãnh đạo Israel như Tổng thống Shimon Peres và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thừa nhận mục tiêu của Washington là giúp hai đồng minh chiến lược của Mỹ cải thiện quan hệ với nhau “không chỉ vì lợi ích của hai nước này mà của cả Mỹ và khu vực”. Theo giới phân tích, nếu thuyết phục được Israel xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc lôi kéo sự hợp tác của Ankara trong vấn đề cô lập và trừng phạt Syrie.

Tuy nhiên, nội các Israel có nhiều thành viên là đối tác trong liên minh cầm quyền như Ngoại trưởng Avigdor Lieberman và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chiến lược Moshe Ya’aon lại kịch liệt phản đối việc phải đưa ra lời xin lỗi, cảnh báo nếu điều này xảy ra thì họ sẽ chấm dứt liên minh với ông Netanyahu. Ông Ya’alon nói rằng xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “đồng nghĩa với thừa nhận trách nhiệm và có thể làm tổn hại lợi ích chiến lược của Israel trong khu vực”. Còn ông Lieberman thì nói việc từ chối xin lỗi là “một hành động khôn ngoan”, bởi nếu không nó sẽ là “một thông điệp yếu đuối nguy hiểm trong thời điểm hiện tại”.

Xem ra còn nhiều vấn đề mắc mứu trong lời xin lỗi của Israel. Theo giới quan sát, ngay cả khi Israel chấp nhận xin lỗi thì cơ hội cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể sáng sủa. Thủ tướng Erdogan tuyên bố xin lỗi không thôi chưa đủ mà Tel Aviv cần bồi thường cho các gia đình nạn nhân và nới lỏng lệnh phong tỏa Dải Gaza. Do vậy, theo báo Haaretz, Thổ Nhĩ Kỳ đang có “kế hoạch B” phát động cuộc chiến ngoại giao chống Israel thông qua Tòa án công lý quốc tế.

PHÚC GIA AN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết