10/12/2012 - 21:50

Mập mờ lòng tham

Hãng tin Anh Reuters ngày 9-12 đăng bài viết của John Ruwitch phân tích, việc chính quyền tỉnh Hải Nam đơn phương đưa ra quy định kiểm soát, bắt giữ và trục xuất tàu thuyền nước ngoài mà họ cho "xâm nhập trái phép" Biển Đông đang tranh chấp, hay Bộ Công an Trung Quốc sử dụng cuốn hộ chiếu mới cho dân thường có in bản đồ vi phạm chủ quyền của nhiều nước trong khu vực là hành động thể hiện bản chất tham lam, ngang ngược với mưu đồ bành trướng gây bất bình dư luận.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh lại có tính mập mờ, không minh bạch và thiếu phối hợp, gây ra sự bối rối trong vấn đề ngoại giao nhạy cảm. Chính Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke thừa nhận Washington chưa thể đưa ra lời bình luận về hành động của tỉnh Hải Nam, bởi Mỹ chưa hiểu rõ phạm vi, mục đích và giới hạn của lệnh cấm đó như thế nào. Mặc dù quy định sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới, nhưng chi tiết của văn bản chưa được công khai. Một quan chức cấp cao của Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam cho biết, quy định này chỉ được hội đồng nhân dân địa phương chứ không phải Quốc hội Trung Quốc thông qua, nên chưa chắc chính quyền trung ương có đồng ý hay không trước khi nó chính thức có hiệu lực.

Một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh thì cho hay, tấm hộ chiếu in bản đồ xâm phạm lãnh thổ các nước khác do Bộ Công an Trung Quốc cấp cho thường dân chưa chắc có nhận được sự ủng hộ của Bộ Ngoai giao nước này. Thực tế hộ chiếu của giới ngoại giao và quan chức chính phủ Trung Quốc không có gì thay đổi, cũng chẳng có bản đồ như vậy.

Về cái gọi là "đường lưỡi bò" chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, theo chuyên gia Carlyle Thayer thuộc Đại học New South Wales (Úc), các học giả Trung Quốc chưa bao giờ trả lời rõ ràng ý nghĩa của "đường chín đoạn" trong hàng chục cuộc hội thảo hàn lâm quốc tế từ hai năm qua. "Không một ai tại Trung Quốc có thể nói với bạn ý nghĩa của nó là gì cả" - ông Thayer cho biết thêm.

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á tại Bắc Kinh cho rằng các cơ quan chính phủ Trung Quốc có ý kiến khác nhau về yêu sách chủ quyền trên Biển Đông nên rất khó xác định đâu là điểm bắt đầu và kết thúc của họ. Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Trung Quốc nhận xét chính quyền nước này luôn thể hiện chính sách đối ngoại lộn xộn trong vấn đề chủ quyền Biển Đông.

Tổ chức nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết hiện nay có không dưới 11 thực thể chính quyền của Trung Quốc, từ cơ quan du lịch đến hải quân, đang đóng vai trò nhất định trên Biển Đông và tất cả đều có khả năng gây ra căng thẳng ngoại giao trong khu vực. Thế nhưng, theo John Ruwitch, sẽ là kỳ lạ nếu nói rằng hành vi của các thực thể ấy nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh.

KIẾN HÒA (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết