Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với hơn 11 triệu thùng/ngày. Gần một nửa trong số này đến từ các nước Trung Đông và Iraq trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ ba của Trung Quốc, chỉ sau Nga và Saudi Arabia.

Mỏ dầu Tây Qurna 1 của Iraq hiện do PetroChina kiểm soát. Ảnh: Enka
Theo tờ The Diplomat, thay vì thiết lập sự hiện diện quân sự ở Trung Đông, Trung Quốc theo đuổi chính sách mở rộng quan hệ ngoại giao và tăng cường ảnh hưởng kinh tế, chủ yếu thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc) về hợp tác của Trung Quốc với Trung Đông cho biết, Bắc Kinh xác định Trung Đông là khu vực then chốt kể từ khi công bố sáng kiến BRI vào năm 2013. Trong thập niên qua, Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn trong khu vực như Saudi Arabia, Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar.
Riêng trong quan hệ với Iraq, Trung Quốc nỗ lực nhằm đảm bảo rằng các cuộc xung đột và khủng hoảng trong khu vực không ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế chung, vốn chủ yếu liên quan đến dầu mỏ. Hiện khoảng 35% lượng dầu của Iraq được xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi mỗi ngày nhập khẩu khoảng 1,2 triệu thùng dầu thô từ Iraq. Nhờ xuất khẩu dầu mỏ mà kim ngạch thương mại giữa Iraq và Trung Quốc đạt mức 50 tỉ USD năm 2023 và dự kiến sẽ vượt 55 tỉ USD vào cuối năm nay.
Từ lâu, Trung Quốc cũng là một trong những nhà khai thác mỏ dầu hàng đầu ở Iraq. Trong đó, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc điều hành tới 4 mỏ dầu lớn ở quốc gia Trung Đông này. Gần đây, các công ty Trung Quốc còn giành được quyền khai thác thêm 10 mỏ dầu trong các cuộc đấu thầu ở Iraq, qua đó giúp nâng tầm quan hệ dầu mỏ giữa Bắc Kinh và Baghdad.
Theo nguồn tin từ Trung tâm Hợp tác Năng lượng Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Iraq, trong các vòng cấp phép thứ 5 và 6 cho 29 mỏ dầu khí trên 12 tỉnh của Iraq từ ngày 11 đến ngày 13-5, chỉ có các công ty Trung Quốc thành công trong số hơn 20 công ty nước ngoài tham gia đấu thầu. Đặc biệt, không có công ty dầu mỏ lớn nào của Mỹ tham gia. Trái lại, các công ty dầu mỏ lớn của phương Tây như Exxon Mobil (Mỹ) và Shell (Anh) đang rút khỏi nhiều dự án khác nhau ở Iraq. Cụ thể, Exxon Mobil hồi tháng 2 năm nay đã rút khỏi mỏ dầu Tây Qurna 1 nằm ở miền Nam Iraq và hiện cổ phần lớn nhất tại mỏ dầu này do PetroChina của Trung Quốc nắm giữ. Trong khi đó, Shell hồi năm 2018 đã rút khỏi mỏ dầu Majnoon ở tỉnh Basra và Anton Oilfield Services của Trung Quốc hiện là nhà thầu chính của mỏ dầu này.
Theo giới phân tích, việc các công ty Trung Quốc giành được quyền khai thác thêm nhiều mỏ dầu ở Iraq cho thấy Bắc Kinh muốn biến vấn đề năng lượng thành nền tảng không thể thiếu của sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ với Baghdad. Thành công này cũng là một ví dụ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông. Bắc Kinh đang thực hiện các chiến lược bằng cách lợi dụng việc Washington rút khỏi Trung Đông, đảm bảo các nguồn năng lượng ổn định như dầu khí thông qua hợp tác mở rộng với khu vực. Đổi lại, các nước Trung Đông đang tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc nhằm tiếp cận các công nghệ tương lai như kiểm soát Internet, hệ thống giám sát an ninh tiên tiến, chuyển đổi kỹ thuật số, đổi mới năng lượng tái tạo và nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến khác, qua đó thúc đẩy một ngành công nghiệp hậu dầu mỏ.
Doanh thu từ bán dầu thô hiện đóng góp tới 90% nguồn thu ngân sách của Iraq. Nước này có trữ lượng dầu thô đã được chứng minh là khoảng 145 tỉ thùng, với mức sản xuất khoảng 4,5 triệu thùng/ngày và xuất khẩu trung bình 3,4 triệu thùng/ngày.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)