06/02/2009 - 16:51

Lợi bất cập hại

Tổng thống Obama gặp khó trong việc giải quyết vấn đề “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” ở Quốc hội.
Ảnh: AFP

Ngày 4-2, với tỷ lệ phiếu 65/31, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và nhiều đối tác thương mại của Mỹ về việc xóa điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” trong dự luật kích thích kinh tế được Hạ viện thông qua tuần trước. Người Mỹ dùng hàng Mỹ là chuyện không có gì đáng nói, nhưng nếu trở thành luật, nhất là vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, thì có thể gây ra chiến tranh thương mại và làm suy thoái trầm trọng thêm.

Trong kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 819 tỉ USD của Mỹ có điều khoản quy định các dự án công dùng ngân sách phải sử dụng sắt thép trong nước, nhằm bảo vệ người lao động Mỹ. Theo đó, chính phủ sẽ không cấp ngân sách cho bất cứ dự án xây dựng, cải tạo, bảo dưỡng hay sửa chữa nâng cấp các tòa nhà và công trình công cộng nào, nếu dự án đó không sử dụng toàn bộ sắt thép sản xuất tại Mỹ. Trước cuộc bỏ phiếu, ông McCain cảnh báo nếu áp dụng điều khoản này, không bao lâu Washington sẽ đối mặt với làn sóng bảo hộ từ các nước khác. Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã đề cập tới những hành động trả đũa, có thể dẫn tới chiến tranh thương mại tương tự như cuộc chiến thuế quan thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930.

Tuy nhiên, chẳng những bác bỏ đề nghị của ông McCain, Thượng viện Mỹ còn muốn “mở rộng” hơn điều khoản này. Họ xem xét quy định không chỉ với sắt thép mà phải gồm tất cả các sản phẩm chế tạo do Mỹ sản xuất.

Thực tế, các nhà phân tích cho rằng số việc làm tăng thêm sẽ không thấm gì so với những tổn thất mà nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu nếu áp dụng điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ”. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Mỹ, với dự luật do Hạ viện thông qua, số việc làm được tạo ra rất ít, chỉ khoảng 1.000 người trong ngành thép. Còn theo như đề xuất ở Thượng viện, khoảng 9.000 việc làm được tạo ra trong lĩnh vực chế tạo. Trong khi đó, chỉ cần các nước khác hạn chế nhập khẩu tỷ lệ nhỏ hàng chế tạo của Mỹ trong các dự án dùng ngân sách, Mỹ sẽ mất 6.500 việc làm. Còn nếu họ áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn, số người mất việc ở Mỹ có thể lên tới 65.000.

Bên cạnh đó, ngăn chặn tiêu dùng hàng ngoại theo luật kích thích kinh tế có nghĩa là giảm sức ép cạnh tranh về giá, các dự án công sẽ “ngốn” kinh phí cao hơn. Do vậy, sẽ có ít công trình công cộng được thực thi hơn.

Quan trọng hơn, điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” vi phạm các cam kết về thương mại quốc tế của Washington. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G20) tháng 11 năm ngoái, chính Mỹ đã cùng các nước khác nhất trí rằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thế giới cần ngăn chặn các biện pháp bảo hộ mới.

Mặc dù Tổng thống Barack Obama cam kết không ký thông qua bất kỳ văn bản nào vi phạm các thỏa thuận thương mại quốc tế, nhưng ông McCain cho rằng điều khoản này sẽ là “nỗi hổ thẹn” đối với ông Obama trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Canada, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, vào ngày 19-2 tới.

N.MINH
(Theo AFP, Csmonitor, Reuters)

Tổng thống Obama gặp khó trong việc giải quyết vấn đề “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” ở Quốc hội. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết