16/07/2016 - 18:00

Lịch sử đảo chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử lâu dài và lừng lẫy như là một cường quốc khu vực - "Đế chế Ottoman" (quốc hiệu tồn tại từ năm 1299 đến 1923), nhưng bản thân quốc gia này hiện nay lại là một nước tương đối trẻ do được thành lập chưa đầy một thế kỷ. Tuy vậy, người dân nước này đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính của quân đội trong suốt 50 năm qua.

Trong cuộc đảo chính đẫm máu diễn ra vào ngày 2-5-1960, lực lượng dẫn đầu bao gồm các tướng lĩnh và học viên trường sĩ quan tại thành phố Istanbul và Thủ đô Ankara. Trong ngày tiếp theo, chỉ huy các lực lượng mặt đất Cemal Gursel đã yêu cầu chính phủ cải cách chính trị và từ chức. Giới lãnh đạo đảo chính sau đó đã thành lập một ủy ban đoàn kết quốc gia gồm 38 thành viên do Tướng Gursel giữ vai trò Chủ tịch. Trong cuộc đảo chính này, 3 cựu bộ trưởng đã bị hành quyết, trong khi 12 quan chức khác bị xử tử hình hoặc tù chung thân.

Đến năm 1971, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến hành đảo chính sau khi đưa ra thư cảnh báo tới chính phủ xung quanh việc tái khôi phục trật tự, sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình và đụng độ đường phố giữa phe cánh tả và chủ nghĩa dân tộc. Vài tháng sau đó, Thủ tướng Suleyman Demirel từ chức và một liên minh chính phủ - gồm các chính trị gia bảo thủ và kỹ trị - đã được thành lập để khôi phục lại trật tự dưới sự giám sát của quân đội. Sau cuộc đảo chính, thiết quân luật được thành lập tại một số tỉnh và chỉ được dỡ bỏ hoàn toàn vào tháng 9-1973.

Đến ngày 12-9-1980, chỉ huy cấp cao của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - Tướng Kenan Evren đứng ra dẫn dắt cuộc đảo chính, sau khi các cuộc giao tranh đường phố giữa phe cánh tả và chủ nghĩa dân tộc lại tái diễn. Trong lần đảo chính này, nhiều chính trị gia hàng đầu đã bị bắt giữ, trong khi các thể chế chính trị khác bao gồm quốc hội, các đảng phái và công đoàn bị giải tán. Một hội đồng an ninh quốc gia lên nắm quyền kiểm soát, và quân đội cho thực thi một hiến pháp tạm thời trong đó không hạn chế quyền lực của các chỉ huy quân đội.

Trong cuộc đảo chính ngày 18-6-1997, Thủ tướng Necmettin Erbakan đã phải từ chức dưới áp lực của quân đội, giới doanh nghiệp, tư pháp và các chính trị gia. Phe chống đối khi đó cáo buộc Thủ tướng Erbakan là mối nguy hiểm đối với nền trật tự cũ kỹ của đất nước, trong khi các tướng lĩnh quân đội phân bua họ buộc phải hành động để bảo vệ nhà nước do cố Tổng thống Mustafa Kemal Ataturk thành lập.

Năm 2007, quân đội đe dọa can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống và cảnh báo chính phủ phải hạn chế ảnh hưởng của phe Hồi giáo, nhưng hành động này sau đó lại gây hậu quả nghiêm trọng ngược lại. Abdullah Gul - ứng viên được lòng chính phủ theo khuynh hướng Hồi giáo khi đó- đã lên nhậm chức tổng thống. Đã có hàng trăm người bị xét xử vì tham gia vào âm mưu đảo chính được cho nhằm là chống lại là Thủ tướng đương thời là ông Tayyip Erdogan. Ngoài ra, 275 quan chức, phóng viên, luật sư và nhiều người khác cũng bị kết án.

HẢI NGUYỆT
(Theo AP, Reuters, Time)

HẢI NGUYỆT (Theo AP, Reuters, Time)

Chia sẻ bài viết