Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27-1 đã không sang Ba Lan tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng trại tập trung thần chết Auschwitz của Đức Quốc Xã như nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác, mà dự buổi lễ tượng trưng tại một bảo tàng Do Thái ở Thủ đô Mát-xcơ-va.
Sự vắng mặt của ông Putin tại buổi lễ quan trọng ở Ba Lan thu hút sự chú ý của dư luận Nga và châu Âu khi mà cách đây 10 năm, nhà lãnh đạo Nga là vị khách mời quan trọng nhất trong ngày kỷ niệm 60 giải phóng địa ngục trần gian khét tiếng thời Thế chiến thứ hai.
Có nhiều nguồn dư luận khác nhau cho biết Ba Lan cố tình không gởi lời mời ngoại giao chính thức đến Tổng thống Nga hoặc ông Putin từ chối sang dự vì phát biểu gây phẫn nộ của Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna khi nói rằng chính binh sĩ Ukraina chứ không phải Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tử thần Auschwitz vào ngày 27-1-1945. Việc Ba Lan chỉ trích mạnh mẽ Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina và hậu thuẫn phe đòi ly khai ở Đông Ukraina, hay châu Âu hợp tác với Mỹ cấm vận Nga vì vấn đề Ukraina, cũng có thể là nguyên nhân chính.
Tuy Nga vẫn cử chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Ivanov đến Ba Lan tham dự buổi lễ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ cùng nguyên thủ các nước Pháp, Đức, Ukraina, nhưng đài truyền hình quốc gia Nga có mặt tại bảo tàng Auschwitz tường thuật: “những người sống sót” từ trại tập trung năm xưa “rất bức xúc” về sự vắng mặt của nhà lãnh đạo quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống phát xít. Sự mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và phương Tây có thể khiến hai bên bất hợp tác giải quyết các thách thức an ninh chung, trong đó có cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay sự trỗi dậy của làn sóng chống người Do Thái đang phát triển mạnh khắp cựu lục địa.
Thế nên, trước khoảng 300 nhân chứng lịch sử tại buổi lễ long trọng, Chủ tịch Đại hội Do Thái Thế giới Ronald Lauder kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đừng bao giờ lãng quên quá khứ nhằm ngăn chặn thảm họa tương tự tái diễn. Hãng tin Reuters cho biết có khoảng 1,5 triệu người mà phần lớn là dân Do Thái châu Âu bị nhiễm khí độc, bị bắn, treo cổ và đốt xác ở trại Auschwitz trước khi Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng. Auschwitz đã trở thành biểu tượng kinh tởm nhất của chiến dịch diệt chủng do Đức Quốc Xã thực hiện làm 6 triệu người Do Thái châu Âu và hàng triệu người khác thiệt mạng trong Đệ nhị thế chiến.
Dự buổi lễ tại Nga, Tổng thống Putin cũng tuyên bố tội ác của phát xít Đức sẽ không được tha thứ hay quên lãng; phê phán chuyện phương Tây vinh danh một số lực lượng tại Đông Âu, kể cả khu vực Tây Ukraina ngày nay từng hợp tác hoặc gia nhập quân phát xít; đồng thời phản đối mọi âm mưu xuyên tạc, viết lại lịch sử không thể chấp nhận và vô nhân tính về vai trò của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến chống Đức Quốc Xã.
KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP, AP)