23/04/2020 - 20:36

Leo thang căng thẳng Mỹ-Iran 

Tuyên bố của Iran về vụ phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo có thể khiến căng thẳng giữa nước này với Mỹ bùng phát trở lại, đặc biệt khi hai bên vẫn đang ghìm nhau trên Vịnh Persic.

 Ảnh: Getty Images

Trong thông báo hôm 22-4, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho biết đã phóng thành công vệ tinh quân sự “Noor” (ảnh) lên quỹ đạo Trái đất ở độ cao 425km bằng cách sử dụng tên lửa đẩy 3 tầng. Đây cũng là vụ phóng vệ tinh quân sự đầu tiên sau khi Iran đưa vệ tinh dân sự lên quỹ đạo vào năm 2009.

Lầu Năm Góc cho biết vẫn còn quá sớm để xác nhận vụ phóng thành công hay không. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2015, vốn kêu gọi nước này không thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được thiết kế có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm các vụ phóng sử dụng công nghệ như vậy.

Về lý thuyết, tên lửa vũ trụ vẫn được xếp vào nhóm ICBM vì có quỹ đạo bay theo đường đạn. Theo chuyên gia an ninh vũ trụ John Pike, chỉ cần mất vài tháng để chuyển đổi công nghệ tên lửa vũ trụ sang ICBM bằng cách bỏ vệ tinh và thay bằng một hay nhiều đầu đạn. Dù vậy, Iran đến nay kiên quyết phủ nhận chương trình không gian nước này theo đuổi công nghệ ICBM.

Nói thêm về sự kiện hôm 22-4, chuyên gia về Trung Đông Ariane Tabatabai cho rằng Iran có thể đã đạt được mục đích phô diễn khả năng răn đe; đồng thời ngụ ý họ có thể tiến xa hơn nếu muốn, bất chấp cáo buộc của Mỹ dựa trên nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Điều này cũng phản ánh quan hệ Mỹ-Iran khó tránh khỏi thế đối đầu, ngay cả khi cả hai đang căng mình đối phó đại dịch COVID-19.

Tehran cũng được cho nối lại những hành động thách thức Washington, bao gồm tiến hành các cuộc tấn công ủy nhiệm nhắm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và gần đây là vụ 11 tàu thuộc IRGC tiếp cận nguy hiểm tàu chiến Mỹ đang tuần tra Vùng Vịnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-4 lên Twitter cho biết đã chỉ thị cho hải quân “bắn hạ và tiêu diệt” bất kỳ tàu chiến nào của Iran nếu họ tiếp tục quấy rối”. Theo các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, thông điệp của tổng thống là lời cảnh báo đối với Tehran về quyền tự vệ của lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra tín hiệu cho thấy Washington sẽ thay đổi chính sách quân sự theo hướng chủ chiến. Trong khi đó, nghị sĩ đảng dân chủ Elaine Luria chỉ trích Tổng thống Trump đang tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia khi tiếp tục phát lệnh cho quân đội thông qua Twitter. Hành vi này có thể gây căng thẳng không cần thiết với Iran thậm chí dẫn đến nguy cơ xung đột toàn diện.

Phát biểu với báo giới ngày 22-4 sau hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết Mỹ đang ngăn chặn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ cho Iran, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Trung Đông, và ông lấy làm tiếc về quan điểm của Washington. Quan chức EU tuyên bố Brussels cần ủng hộ những nỗ lực nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của lệnh trừng phạt và tiếp theo là hậu thuẫn yêu cầu của Iran muốn IMF trợ giúp tài chính.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, Reuters)

Chia sẻ bài viết