Trong tuần tới, Tổng thống Barack Obama sẽ đọc diễn văn loan báo rằng binh sĩ Mỹ chấm dứt hoạt động chiến đấu ở Iraq, và chủ trì khởi động vòng đàm phán mới về hòa bình Trung Đông với sự góp mặt của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Cả hai sự kiện trên được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho ông Obama kết thúc một mùa hè đáng thất vọng với tỷ lệ ủng hộ đang xuống thấp.
Nhiệm vụ của ông Obama trong sự kiện thứ nhất là làm sao để Nhà Trắng nhận được sự tín nhiệm của cử tri về việc thực hiện đúng cam kết rút quân của mình; đồng thời tránh làm ra vẻ “hoàn thành sứ mệnh” một cách giả tạo, vốn từng gây ra làn sóng phản đối trong dư luận Mỹ thời cựu Tổng thống George Bush.
Số là hơn một tháng sau khi xua quân tấn công Iraq ngày 2-5-2003, ông Bush đã mạnh miệng tuyên bố kết thúc chiến sự, nhưng không khẳng định Mỹ có chiến thắng hay không và chiến tranh kết thúc hay chưa. Trên thực tế, cuộc chiến Iraq kéo dài cho tới hôm nay và máu của binh sĩ, tiền đóng thuế của dân Mỹ vẫn tiếp tục đổ vào đây.
Trong khi đó, một tháng sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2009, Tổng thống Obama cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh Iraq một năm sau đó, và ông đang thực hiện điều này. Hôm 19-8, lữ đoàn tác chiến cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Iraq, sớm hơn thời hạn chót 31-8. Thế nhưng, các quan chức Nhà Trắng cũng lo ngại về những nguy cơ chính trị từ khả năng tái bùng phát bạo lực ở Iraq. Với 50.000 binh sĩ ở lại làm công tác cố vấn, nếu ông Obama tuyên bố thắng lợi thì đó có thể trở thành sự lừa dối một khi lính Mỹ tiếp tục bị thương vong.
Cũng như Iraq, tiến trình hòa bình Trung Đông chứa đựng cơ hội lẫn rủi ro cho Tổng thống Obama. Ông Obama lên nắm quyền với nhiều kỳ vọng về một kỷ nguyên hòa giải quốc tế mới khi ông nhận được giải Nobel hòa bình, phần thưởng phần nhiều nhờ vào những cam kết đối với các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, những phấn khích ban đầu đó nhanh chóng biến mất ở Trung Đông khi Washington chọn cách tập trung vào việc buộc Israel ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, một quyết định vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đồng minh này. Palestine cũng rút khỏi các cuộc đàm phán. Trước mắt, việc đưa hai bên trở lại bàn đàm phán có thể giúp ông Obama “ghi điểm”. Tuy nhiên, mọi nỗ lực mang lại hòa hình cho Trung Đông đều có nguy cơ thất bại và những người tiền nhiệm của ông từng nếm “trái đắng” này.
Vì vậy, hai sự kiện trên có phải là cơ hội để ông Obama “lấy lại những gì đã mất” hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
N. KIỆT (Theo Washingtonpost)