Cập nhật báo cáo năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý tầm hoạt động của các đơn vị chủ lực thuộc lục quân, không quân và hải quân Trung Quốc vẫn đang mở rộng và đạt bước tiến mới.

Các nhà phân tích cho rằng phạm vi tấn công của máy bay ném bom chiến lược H-6N có thể được cải thiện nhờ vũ khí siêu thanh. Ảnh: Weibo
Lục quân
Theo báo cáo vừa công bố, kế hoạch tinh gọn và tái cơ cấu lực lượng chính của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu từ năm 2016 đã hoàn thành. Nhưng quân đội vẫn còn cần bổ sung những trang thiết bị quan trọng nếu muốn chuyển đổi hoàn toàn lục quân (PLAA) thành lực lượng hiện đại.
Tính đến năm 2020, PLAA là lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới với 975.000 quân nhân tại ngũ. Các binh đoàn được chia thành 78 lữ đoàn vũ trang tổng hợp thuộc 13 quân đoàn ở 5 khu vực: miền Bắc, miền Trung, miền Đông, miền Nam và miền Tây. Ngoài ra còn có 2 bộ chỉ huy quân sự đóng ở Tân Cương và Tây Tạng. Mỗi lữ đoàn có thể có tới 5.000 binh sĩ và tổ chức thành 3 nhóm gồm hạng nặng (xe tăng và xe bọc thép bánh xích), hạng trung (xe bọc thép bánh lốp) và hạng nhẹ (bộ binh, trực thăng vận và cơ giới). Đặc biệt, báo cáo ghi nhận có sự luân chuyển hoặc tái cơ cấu ở một số đơn vị. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Quân đoàn Nhảy dù thuộc Không quân và Thủy quân lục chiến thuộc Hải quân Trung Quốc.
Về trang bị, Lầu Năm Góc lưu ý khoảng 40% xe tăng chiến đấu chủ lực của PLAA có tuổi đời từ 20 đến 40 năm và một số lượng đáng kể các lữ đoàn bộ binh sử dụng thiết bị lỗi thời. Tuy nhiên, lực lượng này bắt đầu được bổ sung vũ khí mới, chẳng hạn tổ hợp pháo tự hành bánh lốp PCL-171 120mm hoặc loại PCL-181 155mm. Cả hai đều dễ dàng vận chuyển, giúp tăng tính cơ động cho PLAA. Tần suất huấn luyện với nhiều đơn vị khác cũng được tăng cường, bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, một phần vì leo thang căng thẳng biên giới với Ấn Độ cũng như diễn biến phức tạp trên eo biển Đài Loan.
Hải quân
Trung Quốc hiện cũng sở hữu lực lượng hải quân (PLAN) lớn nhất thế giới với 355 tàu chiến, trong đó có khoảng 145 tàu chủ lực tác chiến mặt nước; 40.000 lính thủy đánh bộ trực thuộc 8 lữ đoàn thủy quân lục chiến và một lực lượng không quân hải quân nhỏ đang phát triển. Lực lượng tác chiến của PLAN gồm 3 hạm đội: Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải.
Năm 2019, Trung Quốc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ 2 và đưa vào biên chế tàu khu trục hạng nặng Type 055 đầu tiên, được Lầu Năm Góc xếp vào loại tuần dương hạm vì kho vũ khí khủng lên tới 112 tên lửa. Đến năm ngoái, Trung Quốc hạ thủy chiếc Type 075 thứ 3 và đưa vào biên chế thêm 2 chiếc Type 055. Như đã nêu, chính quyền Bắc Kinh đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhiệm vụ của PLAN từ bảo vệ các vùng biển gần bờ sang nhiệm vụ phòng thủ biển xa. Và giai đoạn 2025-2030, Trung Quốc có kế hoạch tăng quy mô tổng thể lần lượt lên 420 và 460 tàu.
Không quân
Không quân Trung Quốc (PLAAF) và các máy bay của hải quân đang là lực lượng không quân lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lớn thứ 3 thế giới. Theo Lầu Năm Góc, PLAAF và PLAN đã phát triển phi đội lên hơn 2.800 chiếc, chưa tính máy bay không người lái và máy bay huấn luyện. Trong số này có khoảng 2.250 máy bay chiến đấu với ít nhất 1.800 chiếc là tiêm kích và hơn 800 chiếc trong đó được coi là thế hệ thứ 4, ngang bằng với các máy bay chiến đấu của phương Tây.
Trong biên chế PLAAF hiện còn có oanh tạc cơ H-6N có khả năng mang bom hạt nhân và tiếp nhiên liệu không đối đất. Năm 2020, một chiếc H-6N được phát hiện mang theo thứ được cho là tên lửa siêu thanh, làm dấy lên lo ngại Trung Quốc đang cải thiện bộ ba hạt nhân non trẻ. PLAAF cũng tiếp tục mở rộng và nâng cấp phi đội máy bay tàng hình J-20, thử nghiệm tiêm kích tàng hình thứ hai FC-31 được dự đoán là nền tảng cho chiến đấu cơ tương lai hoạt động từ tàu sân bay. Riêng Quân đoàn Nhảy dù của PLAAF, ngoài được trang bị xe bọc thép bánh xích ZBD-03 có thể thả từ trên không, thì còn bổ sung một loại xe bọc thép bánh lốp mới cũng có thể vận chuyển bằng đường không.
Nhìn chung, Trung Quốc đã thống nhất các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị trong 2 thập kỷ qua để củng cố và hiện đại hóa PLA về mọi mặt. Đặc biệt với sự gia tăng về công nghệ và số lượng vũ khí, Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp các lực lượng phương Tây và có thể làm xói mòn những lợi thế đáng kể về kỹ thuật quân sự lâu đời của Mỹ.
MAI QUYÊN (Theo Business Insider)