27/03/2012 - 21:28

Kinh tế xanh - lời giải cho bài toán môi trường

Sản xuất sạch góp phần hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. 

Cùng với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, nhu cầu năng lượng tăng cao, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang đe dọa sự phát triển bền vững. Trước những thách thức này, Việt Nam đã chủ động xây dựng Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX) thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050. Dù mới ở giai đoạn khởi động, nhưng TTX được các địa phương rất quan tâm, bởi đây là lời giải cho bài toán môi trường.

Mô hình phát triển mới

Những năm gần đây, TTX trở thành mô hình phát triển mới được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm; trong đó có Việt Nam. TTX được nhiều nước xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia. Các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan... đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy TTX với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh. Hiện một số quốc gia như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam... đang trong quá trình xây dựng một lộ trình TTX quốc gia. Việt Nam được dự báo là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, thực hiện TTX ở Việt Nam trở nên cấp thiết. Lẽ đó, Ban soạn thảo Chiến lược TTX thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 được thành lập do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, TTX ở Việt Nam không giống như các nước trên thế giới, bởi điều kiện nước ta khác. Hiện nước ta mới bước vào ngưỡng có mức thu nhập trung bình, có những bộ phận dân cư sống ở nông thôn, phụ thuộc vào nông nghiệp, nguồn nhân lực, vốn hạn chế... Chiến lược TTX sẽ là công cụ tái cơ cấu sản xuất, điều chỉnh và xây dựng mô hình tăng trưởng mới dựa trên sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tránh phát triển theo chiều rộng: sử dụng lãng phí tài nguyên và nhân lực. Mục tiêu quan trọng của chiến lược này tạo thêm việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Ngoài ra, chiến lược TTX còn là nền tảng, định hướng để điều chỉnh chiến lược phát triển của các ngành, các địa phương...

Chiến lược TTX của Việt Nam tập trung vào 3 mục tiêu: xanh hóa sản xuất; giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng. Cụ thể như giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% - 20% cho giai đoạn 2011-2020 và 35% - 45% giai đoạn 2020 - 2030; giá trị sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt khoảng 42%-45% 2011-2020 và 80% 2020-2030; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải... Trong giai đoạn 2011 – 2020, mục tiêu đề ra của nền kinh tế vĩ mô là GDP bình quân đầu người ít nhất gấp đôi so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5-3% mỗi năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10 – 15% so với mức 2010; đến năm 2030 sẽ giảm thải khí nhà kính mỗi năm 2-3% và đến năm 2050, năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến.

Cần khung chính sách cụ thể

Thời gian qua, một số địa phương vùng ĐBSCL đã thực hiện chương trình góp phần phát triển xanh. Tỉnh Kiên Giang thực hiện chương trình tiết kiệm điện; phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở các hải đảo. Ông Lâm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Tỉnh có chủ trương các dự án mới khi đầu tư phải đảm bảo công nghệ cao, hiện đại, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tỉnh có dự án tạo đường đê ven biển ứng phó BĐKH, hạn chế nước biển dâng, phát triển hệ thống rừng ngập mặn đê biển”. Tỉnh Bạc Liêu tập trung tìm ra phương hướng đưa điện năng về vùng sâu, vùng xa mà không gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, Bạc Liêu tận dụng địa thế và mạnh dạn kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy điện gió. Bên cạnh đưa điện về nông thôn phục vụ bà con, một mục tiêu quan trọng tìm ra phương hướng phát triển sạch, góp phần phát triển bền vững...

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Ban soạn thảo Chiến lược TTX thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến từ ban ngành liên quan ở các địa phương vùng ĐBSCL. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách cụ thể và có lộ trình thực hiện đồng bộ. Theo ông Bùi Hữu Soi, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, khi ban hành chiến lược cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức khi thực hiện mô hình sản xuất sạch, xanh. Chẳng hạn, chuyển đổi từ gạch nung sang gạch không nung cần có những chính sách hỗ trợ kinh phí tạo điều kiện các chủ lò sớm lấy lại vốn. Bởi hiện một máy ép gạch không nung có giá trị khoảng 3 tỉ đồng, đa phần các chủ lò không đủ kinh phí đầu tư nếu không được hỗ trợ. Hay đối với các tổ chức, cá nhân nuôi trồng, chế biến thủy sản nếu thực hiện nuôi và sản xuất sạch sẽ được những ưu đãi hay hỗ trợ từ nhà nước...

Ông Lê Công Đỉnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho rằng, TTX cần bao hàm tất cả các ngành nghề để phát triển toàn diện và đồng bộ. Xây dựng các khu nông nghiệp chất lượng cao, khu công nghiệp xanh có những cơ chế phát triển hợp lý. Hiện nay, quản lý các nguồn thải trên lưu vực sông có quan tâm, nhưng chưa đúng mức, các địa phương chưa có sự liên kết trong công tác quản lý; trong khi các dự án dọc sông gây ô nhiễm khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo BĐKH. Tăng trưởng bền vững phải đầu tư theo chiều sâu, cần nguồn vốn lớn. Và cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người. Việc điều chỉnh thực hiện từng bước theo từng giai đoạn, có những quy trình cụ thể tạo điều kiện đảm bảo hài hòa phát triển TTX...

Dù chỉ ở giai đoạn khởi động, nhưng chiến lược TTX đã nhận được sự quan tâm của các địa phương. Có thể thấy rằng, khi triển khai thực hiện chiến lược này sẽ đem đến một giai đoạn phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, giải quyết bài toán tăng trưởng về kinh tế, nhưng vẫn duy trì sự hòa hợp với môi trường...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết