27/05/2017 - 18:26

Kinh tế Nhật gặp khó vì tỷ lệ sinh thấp

Takehiro Onuki rời văn phòng ở Tokyo sau 16 tiếng làm việc. Nhân viên bán hàng 31 tuổi này nhanh chân tới ga tàu điện ngầm đón chuyến tàu cuối cùng lúc 0 giờ 24 phút để về nhà ở thành phố Yokohama. Khoảng 1 giờ 30 phút, sau khi dừng tại một cửa hàng tiện lợi để mua bánh mì, Onuki cuối cùng cũng về tới nhà. Mở cửa phòng ngủ, Onuki khiến vợ là Yoshiko tỉnh giấc khi chỉ vừa chợp mắt sau một ngày làm việc 11 tiếng. Yoshiko cằn nhằn vì tiếng ồn, Onuki xin lỗi rồi sau đó đi ngủ với phần thức ăn chưa kịp tiêu hóa. Onuki đặt đồng hồ báo thức lúc 7 giờ sáng để bắt đầu một ngày dài quay cuồng với công việc.

Trong hai thập kỷ qua, những câu chuyện như của vợ chồng Onuki- Yoshiko đã quá phổ biến ở Nhật Bản. Các cặp vợ chồng trẻ phải miệt mài làm việc đến nổi chẳng có thời gian dành cho nhau. Tình trạng này đã dần tạo ra một xu hướng đáng lo ngại, đó là tỷ lệ sinh thấp và chi tiêu kém, khiến GDP xứ hoa anh đào bị tổn thất hàng nghìn tỉ USD trong khi dân số nước này giảm 1 triệu người chỉ trong vòng 5 năm qua.

Người Nhật mệt mỏi sau một ngày dài lao động vất vả.

Nếu tình trạng trên không được cải thiện, giới chuyên gia cảnh báo sẽ xảy ra một thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng và sự đổ vỡ trong cấu trúc đời sống xã hội.

Những quốc gia như Nhật Bản hiện được các nhà kinh tế gọi những quả bom nhân khẩu học hẹn giờ, nơi mà chi tiêu thấp làm tổn hại nền kinh tế, khiến các gia đình không muốn có con, trong khi người dân ngày càng sống thọ hơn. "Dân số già đi đồng nghĩa với việc chính phủ phải chi nhiều tiền hơn, từ đó khiến quỹ hưu trí và an sinh xã hội cạn kiệt, thiếu nhân lực chăm sóc người già, thiếu hụt nguồn lao động trẻ, làm chậm tăng trưởng kinh tế" - giáo sư xã hội học Mary Brinton của Đại học Harvard (Mỹ) cảnh báo.

Quả bom nhân khẩu học hẹn giờ tại Nhật Bản được hình thành từ sau Thế chiến thứ hai. Vào đầu những năm 1950, Thủ tướng Shigeru Yoshida xem tái thiết nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Ông khuyến khích các tập đoàn lớn thuê nhân viên trọn đời, đổi lại nhân viên phải cam kết trung thành với công ty. Phương thức này đã mang đến hiệu quả tích cực, đưa kinh tế Nhật Bản đứng hàng thứ ba thế giới. Song, nó cũng tồn tại nhiều khuyết điểm. Vào đầu những năm 1950, tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đạt mức 2,75 con/phụ nữ. Đến năm 1960 khi mà các doanh nghiệp ngày càng yêu cầu nhiều hơn ở nhân viên thì tỷ lệ sinh giảm xuống mức 2,08 con/phụ nữ. Hiện nay, con số đó chỉ còn 1,41 con/phụ nữ.

Trước thực trạng trên, nhiều công ty đã đưa ra một số biện pháp với hy vọng giúp nhân viên của mình cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đơn cử, hãng quảng cáo Nhật Bản Dentsu gần đây đã bắt buộc nhân viên nghỉ làm ít nhất 5 ngày cứ mỗi sáu tháng. Chính sách này được tiến hành sau vụ tự tử của một nhân viên 24 tuổi hồi năm 2015 và một loạt vụ tự tử liên quan đến công việc ở Nhật Bản. Mỗi ngày, Dentsu tắt hết đèn vào lúc 10 giờ tối như là một động lực để nhân viên về nhà.

Kể từ lên khi nắm quyền cách đây 5 năm, Thủ tướng Shinzo Abe luôn nỗ lực để nâng cao tỷ lệ sinh. Chính phủ đã tổ chức nhiều sự kiện "hẹn hò tốc hành" nhằm tạo điều kiện cho nam nữ tìm hiểu nhau cũng như mở các lớp học làm cha mẹ để hỗ trợ những người độc thân.

TRÍ VĂN (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết