14/12/2016 - 07:37

Kiểm phiếu lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ở bang Wisconsin: Chiến thắng vẫn thuộc về Donald Trump

Hôm 12-12, giới chức Mỹ thông báo quá trình tái kiểm phiếu tại bang Wisconsin đã hoàn tất và ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump (ảnh) vẫn là người chiến thắng.

Hồi tháng rồi, ứng viên tổng thống của Đảng Xanh Jill Stein đã nỗ lực huy động nguồn quỹ hơn 7 triệu USD để yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Đây là 3 bang chiến trường giúp ông Trump giành chiến thắng sít sao trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton. Trong tuyên bố yêu cầu tái kiểm phiếu, bà Stein lập luận (nhưng không có bằng chứng) rằng hệ thống bầu cử của 3 bang kể trên có nguy cơ bị tin tặc tấn công.

Ảnh: Reuters

Sau 12 ngày với 3 triệu phiếu được kiểm lại, dữ liệu do Ủy ban bầu cử Wisconsin công bố hôm 12-12 cho thấy kết quả cuối cùng thay đổi khoảng 0,06%. Trong đó, ông Trump giành thêm 162 phiếu và vẫn đánh bại bà Hillary với hơn 22.000 phiếu. Trước khi xác nhận kết quả tái kiểm phiếu, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Wisconsin Mark Thomsen khẳng định không có bằng chứng về việc tin tặc tấn công hệ thống bầu cử.

Trong khi đó tại bang Pennsylvania, giới chức trách cũng xác nhận kết quả bầu cử chỉ vài giờ sau khi thẩm phán Paul Diamond ra quyết định bác bỏ yêu cầu kiểm phiếu lại. Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng, ông Trump đánh bại bà Clinton ở bang Pennsylvania với 44.000 phiếu chênh lệch trên tổng số 6 triệu phiếu bầu. Hồi tuần rồi, nỗ lực tái kiểm phiếu ở bang Michigan cũng bị một thẩm phán liên bang ngăn chặn sau 3 ngày với lý do không có bằng chứng cho thấy đã có gian lận hoặc sai sót xảy ra trong quá trình bầu cử. Tại Michigan, ông Trump giành chiến thắng với số phiếu phổ thông chênh lệch khoảng 11.000 phiếu so với bà Clinton.

Trong khi kết quả kiểm phiếu khẳng định không có bằng chứng về nguy cơ tin tặc tấn công, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan hôm 12-12 cho biết họ ủng hộ một cuộc điều tra về khả năng Nga tấn công mạng nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) công bố bản kết luận rằng Nga đã xâm nhập và tiết lộ email của nhiều nhân vật trong đảng Dân Chủ cho trang mạng WikiLeaks. Hoạt động này được cho gây tổn hại nặng nề đối với đảng Dân chủ và bà Clinton, qua đó giúp ông Trump giành chiến thắng. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng "không có nghi ngờ gì về hoạt động tấn công mạng của các cơ quan tình báo Nga" và kêu gọi Quốc hội Mỹ mở cuộc điều tra trên diện rộng.

Tuy nhiên, phản ứng của các thành viên chủ chốt đảng Cộng hòa về báo cáo của CIA đi ngược hoàn toàn quan điểm của tổng thống đắc cử Mỹ. Cụ thể, ông Trump bác bỏ phát hiện của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử khi gọi kết luận của CIA là "lố bịch". Các cơ quan giám sát tình báo Mỹ mới đây cũng lên tiếng không chấp nhận bản đánh giá của CIA. Những đơn vị này không tranh cãi cáo buộc Nga tấn công mạng nhưng họ cho rằng đánh giá của CIA về sự can thiệp của Mát-xcơ-va là "không có bằng chứng thuyết phục".

Gay cấn vị trí Ngoại trưởng Mỹ

Theo giới phân tích, lập trường khác biệt về quan hệ với Nga giữa ông Trump và các đảng viên Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội nhiều khả năng dẫn tới chia rẽ trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Hiện tại, rạn nứt trong Cộng hòa đang có nguy cơ bị khoét sâu hơn sau khi Tổng thống đắc cử Trump có ý bổ nhiệm Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ, bất chấp phản đối của lưỡng viện Quốc hội Mỹ xung quanh mối quan hệ mật thiết giữa ông Tillerson với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong tuyên bố hôm 12-12, ông Trump bày tỏ tin tưởng Chủ tịch ExxonMobil Tillerson sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ và khôn ngoan cho các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ và giúp đảo ngược những chính sách và hành động ngoại giao "sai lầm" đã làm suy yếu an ninh và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế suốt nhiều năm qua.

Trong khi đó, Chủ tịch Tillerson tuyên bố có cùng "tầm nhìn" với Tổng thống đắc cử Trump về việc khôi phục lại sự tín nhiệm của Mỹ trên lĩnh vực ngoại giao cũng như tăng cường an ninh quốc gia.

Ông Tillerson, 64 tuổi, có nhiều kinh nghiệm về đàm phán quốc tế và được biết tới là người có mối quan hệ mật thiết với Nga. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn ExxonMobil đã hợp tác với tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga để tiến hành nhiều dự án khai thác ở Bắc Cực, Biển Đen và vùng Siberia. Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng ông Tillerson Huân chương Hữu nghị, vinh dự cao nhất của Nga dành cho một người nước ngoài.

Ông Tillerson cũng là người đã lập luận chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh châu Âu đối với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014. Đây là một khía cạnh mà theo truyền thông Mỹ, một khi được bổ nhiệm chính thức, ông Tillerson sẽ phải trả lời chất vấn trong các cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết