06/03/2011 - 08:36

Không phải thiên đường!

Đến nước Mỹ xin tị nạn và xây dựng cuộc sống mới là sự lựa chọn lý tưởng nhất đối với hàng chục ngàn thanh niên trí thức của Iraq sau những năm ủng hộ và hợp tác với quân đội Mỹ trong cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Thế nên, theo Tổ chức Di dân Quốc tế (IMO), kể từ khi Mỹ nới lỏng chính sách nhập cư năm 2007 đã có ít nhất 60.000 người Iraq sang xứ sở cờ hoa xin tị nạn với mục tiêu “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, không thể kiếm được việc làm trên đất khách quê người là nỗi ám ảnh và thất vọng tràn trề của một bộ phận không nhỏ trong số họ.

 Dòng người Iraq xin qua Mỹ tị nạn. Ảnh: AP

Như Nour al-Khal đang sinh sống ở New York tâm sự: “Tôi đã nỗ lực tìm bất cứ nghề nghiệp gì, từ phiên dịch, dạy học, tư vấn, hướng dẫn viên cho đến giữ mèo, quản gia, nói chung là bất cứ việc nào cũng được”. Người phụ nữ trong độ tuổi 30 này đã trốn khỏi Iraq sau khi bị thương trong vụ tấn công làm chết nhà báo Mỹ Steven Vincent năm 2005. Xuất thân từ thành phố Basra, nơi người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số, al-Khal với tấm bằng cử nhân Anh văn năm ấy làm thông dịch viên cho Vincent và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ. Giống như al-Khal, đa số dân Iraq đang sống nương nhờ trên đất Mỹ từng bị đe dọa vì đã làm việc cho các công ty, tổ chức nhân đạo hay cơ quan viện trợ chính phủ của Mỹ.

Một thống kê cho biết tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người tị nạn Iraq cao gấp 3 lần mức trung bình 9% của Mỹ. Chính vì cuộc sống vô công rỗi nghề này, al-Khal cho biết người tị nạn Iraq “cảm thấy bị bỏ rơi tại đất nước”. “Họ từng được hứa hẹn nhiều điều trước khi đến Mỹ, nhưng hiện nay họ là những người thừa thải trên mảnh đất xa lạ này”, al-Khal bộc bạch thêm.

Đối mặt với thực tế phũ phàng, ước tính khoảng 3% người tị nạn Iraq đã từ biệt nước Mỹ trở lại khu vực Trung Đông - Vùng Vịnh, nhưng không phải Iraq mà là các quốc gia láng giềng. Quy cố hương cũng là mong muốn của đa số những người này, nhưng ngặt nỗi điều kiện hiện nay ở Iraq không cho phép họ mạo hiểm. Esam Pasha, nghệ nhân xin tị nạn ở thành phố New London (bang Connecticut), cho biết anh muốn hồi hương nhưng hiểu rằng mình cần có thêm thời gian thăm dò vì Iraq đã thay đổi rất nhiều. Anh cho rằng những nơi mình đã sống và làm việc đều bị phá hủy tất cả, sau đó được xây dựng lại và rồi cũng bị hủy hoại một lần nữa. Bob Carey, thành viên Ủy ban Trợ cứu quốc tế chuyên giúp những người tị nạn thoát khỏi chiến tranh và thảm họa thiên nhiên, khuyên những ai muốn trở về Iraq không nên đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của tình hình an ninh hiện nay ở nước này.

Nhưng bất luận thực trạng khan hiếm việc làm ở Mỹ, nhà sáng lập và chủ tịch Viện A-rập của Mỹ, ông James Zogby, dự báo làn sóng người tị nạn Iraq qua Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao sau khi quân đội nước này hoàn tất việc rút tất cả binh sĩ ra khỏi Iraq vào cuối năm nay. Cho nên, nguyện vọng của al-Khal và nhiều người cùng cảnh ngộ khác là có được việc làm để không cảm thấy mình bị mất đi giá trị hay là một gánh nặng trong xã hội Mỹ.

PHÚC GIA AN (Theo Reuters)

PHÚC GIA AN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết