27/08/2007 - 15:15

Không đánh mà khai !

Trong bài diễn văn đọc trước hàng nghìn cựu chiến binh Mỹ trong cuộc mít-tinh ở thành phố Kansas, bang Missouri ngày 22-8, Tổng thống George Bush khẳng định “Thủ tướng Iraq Nuri Al Maliki là người thích hợp với công việc khó khăn và tôi ủng hộ ông ấy”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định việc ông Maliki có tiếp tục lãnh đạo Chính phủ Iraq hay không là tùy thuộc vào người dân xứ sở nghìn lẻ một đêm chứ không phải vào các chính khách ở Washington.

Liệu Tổng thống Bush sẽ tiếp tục “song hành” với Thủ tướng Maliki?
Sẽ là không có gì đáng nói nếu một ngày trước đó ông Bush không bóng gió rằng đang rút lại sự ủng hộ đối với Thủ tướng Maliki. Cụ thể là ông chủ Nhà Trắng nói rằng “ít nhiều thất vọng” đối với chính phủ của ông Maliki, và nếu chính phủ này không giành được kết quả trong việc hòa giải cũng như giảm bạo lực thì nhân dân Iraq sẽ thay ông ta. Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Baghdad Ryan Crocker thừa nhận nỗ lực hòa giải của chính phủ Maliki là “cực kỳ thất vọng”. Trước đó nữa, một số nghị sĩ Mỹ cũng kêu gọi ông Maliki từ chức.

Vậy đâu là nguyên nhân để Tổng thống Bush có phát biểu tiền hậu bất nhất như vậy ?

Trước hết phải kể đến phản ứng của Thủ tướng Maliki. Phát biểu sau khi bị (ông Bush) chỉ trích, ông Maliki tuyên bố mạnh mẽ rằng Chính phủ Iraq hiện tại là do người Iraq bầu ra và không ai ở ngoài Iraq có quyền đặt ra thời gian biểu cho những tiến bộ ở nước này. Ông cũng dọa sẽ tìm đồng minh khác (ngoài Mỹ).

Còn điều gì dẫn đến phát biểu đầu tiên của Tổng thống Bush? Theo các nhà phân tích, là do ông muốn tạo một khoảng cách với chính quyền Iraq trước khi bản báo cáo về tình hình chiến sự và hiệu quả của chiến lược tăng quân tại Iraq được trình lên Quốc hội Mỹ vào giữa tháng 9 tới. Tháng Giêng năm nay, ông Bush lập luận rằng kế hoạch tăng quân là nhằm giảm bạo lực và tạo cơ hội cho người Shiite, Sunni và Kurd thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc. Thế nhưng, cho tới nay, các phe phái ở Iraq không thể cùng ngồi lại với nhau theo đúng nghĩa của nó, còn bạo lực thì tiếp tục gia tăng. Cái khó của Nhà Trắng là không thể thừa nhận thất bại trước một Quốc hội do đảng Dân chủ nắm đa số (ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng nghi ngờ về tính đúng đắn của quyết định tăng quân). Thế nên bằng động thái trên, ông Bush đã đá quả bóng trách nhiệm về phía Chính phủ Iraq, mà cụ thể là Thủ tướng Maliki. Và những “ tự thú” của người đứng đầu Nhà Trắng đã để lộ ý đồ của Washington đối với Baghdad: Hãy nghĩ đến chuyện thay ngựa giữa dòng!

N.MINH
(Theo Fox News, CNN, Aljazeera)

N.MINH (Theo Fox News, CNN, Aljazeera)

Chia sẻ bài viết