04/06/2012 - 21:26

Không chỉ là cái mác !

Nhiều năm qua, Israel đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm hàng hóa được sản xuất tại khu Bờ Tây với nhãn mác “Made in Israel” (nghĩa là “Sản xuất tại Israel”). Gần đây, hành động này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì cho rằng Israel đang khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng.

Sự việc bắt đầu nổi lên khi cách đây vài tuần, Nam Phi - một trong các bạn hàng của Israel - ra thông báo yêu cầu các doanh nghiệp không được dán nhãn cho hàng hóa được sản xuất tại các khu vực bị chiếm đóng của Palestine thành sản phẩm của Israel. Chính quyền Nam Phi cho rằng các sản phẩm trên nên được chú thích là “sản xuất tại vùng định cư của người Do Thái” để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Cùng với Đông Jerusalem, khu Bờ Tây (gọi tắt của “Bờ Tây sông Jordan”) là một trong những vùng đất của Palestine bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Từ đó đến nay, Israel ồ ạt xây dựng nhà cửa và đưa 500.000 người Do Thái vào định cư ở khu Bờ Tây cùng với người Palestine. Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn coi đây là khu vực tranh chấp và kiên quyết phản đối các khu định cư của người Do Thái.

Khi được hỏi vì sao lại đề “Made in Israel” cho các sản phẩm được sản xuất bên ngoài lãnh thổ của Israel, ông Yigal Palmor - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel - chống chế rằng dòng chữ trên không ám chỉ về mặt địa lý hay chủ quyền mà chỉ dựa trên cơ quan quản lý sản phẩm. “Vì các sản phẩm trên được sản xuất theo quy định và tiêu chuẩn của Israel nên chúng được ghi là Made in Israel”- ông giải thích.

Người Palestine từ lâu đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Israel và thậm chí còn dùng lửa thiêu hủy nó. Họ cho biết sở dĩ họ bài trừ hàng hóa của Israel là vì không muốn người Israel được lợi từ việc chiếm đóng đất đai và con người của Palestine.

Tiếng nói của Nam Phi gần đây đã giúp “lên dây cót” tinh thần cho người Palestine. Ngoài Nam Phi, một số quốc gia cũng ủng hộ quan điểm này. Mới đây, Đan Mạch và Thụy Sĩ tuyên bố sẽ hướng dẫn cách đề nhãn mác riêng biệt cho hàng hóa của các khu định cư. Hành động này được cho sẽ giúp nâng cao nhận thức cho người dân và có ích cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện quan điểm chống các khu định cư của người Do Thái “ra mặt” bằng cách loại hàng hóa của khu vực này ra khỏi các danh mục được miễn thuế. Trước đó, năm 2009, Anh cũng từng khuyến khích các nhà bán lẻ phân biệt rõ sản phẩm được sản xuất tại khu Bờ Tây bởi cộng đồng người Palestine và sản phẩm từ tay của người Israel.

Được biết, hàng hóa sản xuất tại các khu định cư của người Do Thái chiếm chưa đến 1% trong tổng giá trị xuất khẩu khoảng 50 tỉ USD/năm của Israel. Các mặt hàng mà khu vực này sản xuất chủ yếu là mỹ phẩm, rượu, trái chà là... Nhiều doanh nghiệp của người Israel cũng thuê nhân công là người Palestine.

TRIẾT VĂN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết