18/06/2012 - 23:31

Khởi động lại quan hệ

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đứng trước cái có thể gọi là "một mối quan hệ không chắc chắn" với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi quan điểm đối lập, đặc biệt trong vấn đề Syrie, phủ bóng đen lên triển vọng khôi phục quan hệ giữa Washington với Mát-xcơ-va. Vì lẽ đó, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Mexico được giới quan sát và báo chí theo dõi sát sao.

Tổng thống Obama xem việc "khởi động lại" quan hệ với Nga, được "dọn đường" từ thời cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, như một chính sách ngoại giao quan trọng, với điểm nhấn là Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) mới và sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề Iran và Afghanistan. Nhưng những cuộc khẩu chiến gần đây giữa đôi bên xung quanh vấn đề Syrie, thái độ giận dữ của ông Putin do nghi ngờ Mỹ "đạo diễn" các cuộc biểu tình chống chính phủ Nga hồi năm ngoái cũng như sự bất đồng chính trị của cả Mát-xcơ-va và Washington dường như đang đẩy mối quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh theo xu hướng đối đầu công khai. Chính vì vậy, cuộc gặp ngày 18-6 giữa hai ông Obama và Putin được xem là một cơ hội để xoa dịu căng thẳng hơn là tìm kiếm những đột phá mới.

Theo Hãng tin Pháp AFP, Tổng thống xứ cờ hoa được cho là đang đối mặt với chiến dịch tái tranh cử đầy cam go nên cần giữ vững vị thế của mình, cả đối nội lẫn đối ngoại. Trong một cuộc họp ở Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 3, ông chủ Nhà Trắng từng bị bắt gặp đang yêu cầu ông Medvedev chuyển lời tới ông Putin rằng ông sẽ xử lý linh động kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, vốn bị Nga phản đối, sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Ngoài xoa dịu bất đồng với Nga, ông Obama còn phải bảo vệ chính sách ngoại giao của mình trước những chỉ trích từ đối thủ thuộc đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney. Tuần trước, ứng viên Romney tuyên bố: "Chính sách "khởi động lại" quan hệ với Nga của Tổng thống Obama đã hoàn toàn thất bại. Nga đã công khai vũ trang và bảo vệ chế độ ở Syrie, chống lại các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran và phản đối nỗ lực của Mỹ trong hàng loạt vấn đề”.

Đối với Nga, theo nhận định của báo The New York Times, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Putin có lẽ là vấn đề lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, thứ có thể tác động đáng kể đến quan hệ của Nga với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Giới phân tích cho rằng Mát-xcơ-va cũng đang lo mất đi một liên minh địa chính trị chủ chốt và các căn cứ hải quân dẫn tới khu vực Địa Trung Hải nếu chế độ của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad bị lật đổ, và bị thay thế bằng một chính phủ ít "thân thiện" với Nga.

Bàn về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga, Matthew Rojansky, đại diện Nhóm chuyên gia cố vấn chính sách đối ngoại Vì hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng hai ông Putin và Obama nên tìm cách "kiểm soát thiệt hại" và tạo nên một sự cảm thông để những căng thẳng hiện nay không dâng cao. The New York Times cũng dự đoán trong bối cảnh hiện nay, khả năng Mỹ-Nga hợp tác với nhau trong các vấn đề quốc tế là rất lớn. Chung tay giải quyết các vấn đề nóng thay vì chỉ nhắm tới những mối bất hòa, Washington và Mát-xcơ-va có thể giúp ngăn chặn cuộc nội chiến đẫm máu ở Syrie và mở đường cho một cuộc chuyển giao chính trị tại Damas. Họ cũng có thể giúp tránh nguy cơ lớn ở Iran: Một Tehran có khả năng sở hữu bom hạt nhân và cuộc chiến mới ở Trung Đông.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết