 |
Thủ tướng Anh Cameron (trái) và Tổng thống Pháp Sarkozy. Ảnh: Reuters |
Trong hoàn cảnh phải cắt giảm ngân sách quốc phòng để vượt qua khủng hoảng tài chính, chính phủ Anh đang tìm cách hợp tác quân sự gần gũi hơn với Pháp. Luân Đôn kỳ vọng động thái này sẽ kết thúc nhiều thập niên hai nước nghi kỵ lẫn nhau và giúp hạn chế tác động của việc co rút ngân sách quốc phòng.
Đề nghị tăng cường quan hệ với Pháp của Thủ tướng Anh David Cameron được đưa ra hôm 20-10 cùng lúc với kế hoạch cắt giảm 8% ngân sách quốc phòng trong 4 năm. Và dĩ nhiên, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhiệt tình ủng hộ với tuyên bố Paris sẽ hợp tác toàn diện. Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp dự tính sẽ gặp nhau tại Portsmouth, căn cứ Hải quân Hoàng gia Anh, vào đầu tháng 11 tới, nhằm vạch ra kế hoạch hợp tác quân sự.
Thành công của sự hợp tác này sẽ đánh dấu bước chuyển lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc quân sự mạnh nhất Tây Âu. Quân đội Anh và Pháp đã “ngoảnh mặt” với nhau sau thất bại về việc thôn tính kênh đào Suez vào năm 1956. Khi đó, hai nước đã rút ra những bài học khác nhau từ quyết định của Mỹ không ủng hộ cuộc tấn công của họ vào Ai Cập. Anh theo đuổi chính sách gần gũi với Mỹ, trong khi Pháp có quan điểm ngược lại là càng ít lệ thuộc Mỹ càng tốt.
Theo các nhà phân tích, Anh và Pháp đang xích lại gần nhau không phải vì “thiếu tình cảm” mà vì hoàn cảnh “thiếu tiền”. Etienne Durand, giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp ở Paris, cho rằng hai bên đang nỗ lực tận dụng cái mà họ có thể tận dụng nhằm đối phó với việc cắt giảm mạnh chi tiêu công. Trước mắt, về phía Anh, các lực lượng vũ trang có thể thiết lập nhiều hình thức quân sự chung, tăng cường hợp tác mua trang thiết bị, huấn luyện, trao đổi máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu. Trong tương lai, Anh có thể chia sẻ 2 tàu sân bay với Pháp và Mỹ. Còn với Pháp, mặc dù cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng nước này vẫn duy trì tiềm lực quân sự mạnh, khác với hầu hết các nước châu Âu khác.
Anh cũng yêu cầu Mỹ ủng hộ kế hoạch trên. Robert Hunter, cựu đại sứ Mỹ tại NATO hiện làm việc tại tổ chức tư vấn Rand Corporation ở Washington, cho rằng Mỹ muốn Anh duy trì tiềm lực quân sự độc lập, nhưng hợp tác với Pháp “là sự lựa chọn ít tồi tệ nhất”. Washington cũng không quá lo ngại về sự hợp tác này, vì nước Pháp dưới thời Tổng thống Sarkozy có quan hệ “nồng ấm” hơn với Mỹ. Pháp cũng đã trở lại Bộ chỉ huy NATO sau hơn 40 năm tách ra theo quyết định của Tổng thống Charles de Gaulle thời kỳ Chiến tranh lạnh. Với ngân sách quốc phòng giảm mạnh ở các nước đồng minh châu Âu, Mỹ có thể xem đề nghị của Anh với Pháp là cách để hạn chế thiệt hại.
Thế mới thấy khi “dư dả” thì ngoảnh mặt đối đầu, chỉ lúc khó khăn thì mới quý nhau.
NGUYỄN HOÀNG (Theo WSJ, Reuters)