01/07/2022 - 10:13

Khó khăn chờ đón tân Tổng thống Philippines 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr bắt đầu với nhiều thách thức phía trước, từ lạm phát tăng cao, phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho đến cân bằng mối quan hệ giữa Philippines với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Marcos Jr tại lễ nhậm chức ngày 30-6. Ảnh: CNN

Trưa 30-6, tại Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Manila, tân Tổng thống Marcos Jr, 64 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của hàng trăm quan chức, phóng viên và người ủng hộ. Sau khi tuyên thệ để trở thành tổng thống thứ 17 của quốc gia Ðông Nam Á, ông Marcos Jr đã có bài diễn văn nhậm chức.

Những ưu tiên hàng đầu

Tuy chưa bổ nhiệm đầy đủ các vị trí trong nội các, nhưng Tổng thống Marcos Jr đã đề cử các nhà kỹ trị giàu kinh nghiệm lèo lái nền kinh tế đất nước, giúp xoa dịu những lo ngại trên thị trường về việc ông thiếu kinh nghiệm xây dựng chính sách. Tân Tổng thống Philippines thừa hưởng nền kinh tế ổn định sau khi phục hồi từ đại dịch, nhưng ông sẽ chịu sức ép duy trì đà phục hồi này trong khi kiềm chế lạm phát tăng cao. Khống chế lạm phát sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Marcos Jr.

Do cam kết giảm phân nửa giá gạo trong chiến dịch tranh cử, ông Marcos Jr gần đây đã kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng nông nghiệp, khi viện dẫn nhu cầu cấp bách phải thúc đẩy sản lượng nông nghiệp để tăng cường an ninh lương thực và kiểm soát giá thực phẩm. Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Felipe Medalla đã báo hiệu viễn cảnh về một loạt các bước nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng cao đang bóp nghẹt nền kinh tế lớn thứ ba Ðông Nam Á. 

Dự án “dài hơi”

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng yếu kém lâu nay là trở ngại trong việc thu hút đầu tư nước ngoài ở Philippines. Việc nâng cấp các cảng biển, đường sá, đường sắt, cảng hàng không, hệ thống truyền tải điện và các phương tiện dịch vụ chung, diễn ra chậm chạp. Ðội ngũ của Tổng thống Marcos Jr cho rằng họ sẵn sàng sử dụng các nguồn quỹ tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng và sẽ duy trì chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte vốn bị trì hoãn bởi đại dịch. Hoàn thành nhiệm vụ này sẽ giúp Tổng thống Marcos Jr tạo ra việc làm và sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Tổng thống Marcos Jr cùng các cộng sự kinh tế cũng cần phải kiểm soát nợ chính phủ đã lên tới 60,5% GDP hồi cuối năm 2021, tỷ lệ cao nhất trong 16 năm qua. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Benjamin Diokno muốn tập trung vào việc cải thiện thu thuế, bao gồm giảm tình trạng tham nhũng, hơn là tăng thuế, để tăng doanh thu. Theo xếp hạng gần đây về quốc gia ít tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Philippines đứng tận thứ 117 trong số
180 nước.

Tổng thống Marcos Jr cũng sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cân bằng lợi ích kinh tế của việc khai thác các tài nguyên khoáng sản chưa sử dụng của Philippines với việc bảo vệ môi trường tự nhiên dễ tổn thương của nước này. Ngành khai khoáng chỉ đóng góp 1% vào sản lượng kinh tế của Philippines và đến nay mới chiết xuất được 5% khoáng vật. Theo các chuyên gia, 1/3 diện tích đất Philippines có tiềm năng khoáng vật cao. Ông Marcos Jr quyết tâm thúc đẩy “khai khoáng sạch” và muốn xuất khẩu khoáng vật giá trị gia tăng bằng cách bán các vật liệu đã qua xử lý thay vì chỉ là quặng. Philippines hiện là nhà cung cấp quặng niken cấp thấp lớn nhất của Trung Quốc.

Về chính sách đối ngoại, ông Marcos Jr được cho là thân thiện với Trung Quốc, nhưng giới quan sát tin rằng cách tiếp cận của nhà lãnh đạo này sẽ khác so với người tiền nhiệm Duterte. Cựu Tổng thống Duterte từng tích cực “ve vãn” Bắc Kinh, đồng thời dọa hạ cấp quan hệ với Mỹ - đồng minh mà Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung.

Trong chiến dịch tranh cử, Marcos Jr khẳng định ông sẽ cố gắng “giữ thăng bằng khi đi trên dây” giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù bày tỏ ý định nâng cấp quan hệ với Bắc Kinh, ông Marcos Jr tuyên bố sẽ cứng rắn trước bất cứ mối đe dọa nào đặt ra đối với lợi ích chủ quyền của Manila.

Chia sẻ bài viết