13/10/2021 - 06:00

Kêu gọi hành động tại COP26 ! 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và khoảng 3/4 số nhân viên chăm sóc sức khỏe toàn cầu vừa kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh hành động vì khí hậu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26, diễn ra tại Anh vào tháng 11 tới), để cứu sống hàng triệu người mỗi năm.

Các bạn trẻ tuần hành kêu gọi hành động tại Hội nghị COP26. Ảnh: Reuters

Các bạn trẻ tuần hành kêu gọi hành động tại Hội nghị COP26. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Di sản Thế giới ở Pháp ngày 12-10, Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma cảnh báo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải theo đuổi các kế hoạch hành động vì khí hậu 2030 tham vọng hơn. Theo Hãng tin Reuters, ông Sharma muốn gia tăng sức ép lên những nước chưa nâng mục tiêu quốc gia để cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính. Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Sharma cho biết các đại biểu tới dự COP26 đã nhất trí thực hiện cam kết đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP26 nhằm bảo đảm hành động khí hậu đầy tham vọng hơn từ gần 200 quốc gia đã ký Hiệp định Paris 2015 để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới ngưỡng 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp và lý tưởng hơn cả là ở mức 1,50C. Giới chức nước chủ nhà Anh nhấn mạnh đây là cơ hội cuối cùng để các nhà lãnh đạo thế giới cam kết thực hiện những mục tiêu giảm lượng khí thải trong thập kỷ tới và ngăn chặn thảm họa ấm lên toàn cầu.

Kêu gọi hành động khẩn cấp vì khí hậu

WHO hôm 11-10 đã thúc giục các quốc gia nhanh chóng hành động chuyển đổi trong mọi lĩnh vực bao gồm năng lượng, giao thông và tài chính vì khí hậu, đồng thời nhấn mạnh lợi ích sức khỏe cộng đồng của các hành động khẩn cấp vượt xa chi phí. “Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang giết chết chúng ta. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt”, WHO nhấn mạnh trong báo cáo.

WHO cho biết trước đây có khoảng 13,7 triệu người chết mỗi năm do những rủi ro về môi trường như ô nhiễm không khí và phơi nhiễm hóa chất, dù vẫn chưa rõ chính xác bao nhiêu người trong số đó tử vong có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu. Theo Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Văn phòng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO, khoảng 80% số ca tử vong do ô nhiễm không khí có thể được ngăn chặn thông qua việc tuân thủ các hướng dẫn của tổ chức này. Biến đổi khí hậu cũng gây ra một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và sốt rét, dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ở một số khu vực nghèo nhất thế giới.

WHO công bố báo cáo cùng ngày với lá thư nhận được sự ủng hộ của hơn 400 cơ quan y tế (đại diện hơn 45 triệu y, bác sĩ và chuyên gia) kêu gọi hành động khẩn cấp vì khí hậu.

Xung lực cho COP26

Hôm 11-10, Mỹ thông báo có thêm 24 quốc gia tham gia sáng kiến “Cam kết cắt giảm methane toàn cầu” được nước này và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng nhằm tạo xung lực cho Hội nghị COP26, nâng tổng số nước tham gia lên 33. Mục tiêu là tới năm 2030 sẽ giảm 30% lượng khí thải methane (CH4)  so với mức của năm 2020.

Tháng trước, 9 đối tác ban đầu, trong đó có Anh, Indonesia và Mexico, đã ký cam kết. Tuy nhiên, 4 quốc gia phát thải methane nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil lại không tham gia. Đến nay, sáng kiến đã quy tụ các quốc gia chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 30% lượng khí thải methane trên thế giới. Mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải kể trên - nếu đạt được - sẽ tác động đáng kể đến các ngành năng lượng và nông nghiệp  vốn phát thải nhiều khí methane.

Methane là tác nhân lớn thứ hai, sau CO2, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Một số báo cáo gần đây nhấn mạnh việc các chính phủ cần coi trọng những biện pháp giảm thiểu methane phát thải trong không khí để thực hiện mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris 2015 là giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,50C. Đây là ngưỡng mà nếu vượt qua, các tác động tiêu cực của tình trạng ấm lên toàn cầu như nắng nóng gay gắt, khan hiếm nước, mất mùa và hệ sinh thái sụp đổ sẽ gia tăng dữ dội. Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu hiện đã tăng khoảng 1,10C và khí thải methane chịu trách nhiệm đáng kể cho mức tăng này. Do vậy, giới khoa học cho rằng giảm lượng khí thải methane là cách nhanh nhất làm chậm sự ấm lên toàn cầu.

Trong diễn biến liên quan, hôm 11-10, liên minh hơn 20 tổ chức từ thiện, bao gồm tổ chức của các tỉ phú Mỹ Michael Bloomberg và Bill Gates, thông báo sẽ chi hơn 223 triệu USD để hỗ trợ các nước giảm lượng khí thải methane.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết