Ngày 4-11, Tòa án thành phố Milan (Italia) đã tuyên án đối với 22 nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về tội bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo người Ai Cập Osama Moustafa Hassan Nasr (còn gọi là Abu Omar, ảnh) trên đường phố Milan hồi năm 2003. Phán quyết này được xem là đòn giáng vào chương trình “dẫn độ đặc biệt” gây tranh cãi của Mỹ, theo đó bắt cóc các nghi can khủng bố rồi đưa đến nước khác thẩm tra.
Theo bản án, Robert Seldon Lady, cựu trưởng chi nhánh CIA tại Milan, bị tuyên án 8 năm tù; 21 nhân viên khác của CIA cùng một quan chức Không lực Mỹ nhận mức án mỗi người 5 năm. Thẩm phán Oscar Magi đã ban bố lệnh bắt ngay lập tức các đối tượng phạm tội (tất cả họ đều không có mặt tại tòa). Dính tới vụ này, 7 người Italia cũng bị kết tội, trong đó có Nicolo Pollari, cựu Giám đốc Tình báo Quân đội (Sismi).
Do bị tình nghi tuyển mộ các tay súng nổi dậy chuyển tới Iraq, ông Abu Omar đã bị bắt cóc trong một hoạt động chung giữa CIA và Sismi. Ông bị đưa tới căn cứ không quân Mỹ ở Aviano (Italia), rồi đưa lên máy bay tới căn cứ Ramstein ở Đức, sau đó xuống tàu tới Ai Cập và bị giam giữ tại đó. Các luật sư cho rằng ông Abu Omar đã bị tra tấn, châm điện... khi bị giam ở Ai Cập. Ông được trả tự do năm 2007 và hiện sống tại Ai Cập.
Phiên tòa bắt đầu từ năm 2007, nhưng quá trình xét xử tiến triển chậm, một phần vì bằng chứng đưa ra trước tòa thuộc loại mật. Bằng chứng mà các công tố viên tập hợp được là băng ghi âm các cuộc trao đổi qua điện thoại giữa các nhân viên CIA thực hiện vụ bắt cóc này. Trở ngại lớn hơn là việc chính quyền Italia không tìm cách dẫn độ các công dân Mỹ ra trước vành móng ngựa. Phán quyết mới tuyên trên cũng không kèm yêu cầu dẫn độ, nên nhiều người hoài nghi khả năng thực thi của nó. Thẩm phán Magi tuyên bố bản án có hiệu lực sau khi kết thúc quá trình xét xử hơn 3 năm qua, nhưng quá trình kháng cáo ở Italia có thể mất vài năm. Điều đó có nghĩa là dường như không có nhân viên CIA nào thật sự phải thụ án tù, vì luật sư của các bị cáo tuyên bố sẽ kháng án.
Dẫu vậy, vụ việc của Abu Omar là phiên tòa đầu tiên đi đến phán quyết liên quan tới chương trình “dẫn độ đặc biệt” của Mỹ. Chương trình này do CIA triển khai từ thời cựu Tổng thống Bill Clinton và được phát triển mạnh thêm dưới thời George Bush. Số người bị đưa ra khỏi châu Âu theo chương trình đặc biệt trên chưa được biết chính xác, nhưng báo cáo năm 2006 của Hội đồng châu Âu ước tính có 100 người. Báo cáo tháng 2-2007 của Nghị viện châu Âu cho biết CIA đã tiến hành 1.245 chuyến bay từ châu Âu tới những nước mà nghi can có thể bị tra tấn.
Phán quyết của Italia có thể gây thêm khó khăn cho chính quyền Tổng thống Barack Obama. Đầu năm nay, ông Obama đã quyết định chấm dứt chương trình thẩm vấn của CIA, đồng thời đóng cửa các nhà tù bí mật nhưng vẫn tiếp tục chương trình chuyển các nghi can đang bị giam giữ tới các nước khác để thẩm tra. Do vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly cho biết Washington thất vọng với phán quyết của Tòa án Milan.
N. KIỆT (Theo Guardian, WSJ, Reuters)