02/09/2009 - 21:47

Israel với chiến lược ngoại giao mới

Ngoại trưởng Avigdor Lieberman.
Ảnh: JP

Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman hôm qua 2-9 bắt đầu chuyến công du 8 ngày đến một loạt quốc gia châu Phi gồm Ethiopia, Kenya, Ghana, Nigeria và Uganda. Đây là lần thăm lục địa đen đầu tiên của lãnh đạo ngành ngoại giao Israel trong vòng 20 năm qua. Chuyến đi này một lần nữa thể hiện quyết tâm của Tel Aviv muốn khai thông và mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Sự hiện diện của đại diện cấp cao các Bộ Tài chính, Quốc phòng và Hội đồng An ninh quốc gia cùng 20 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trong phái đoàn đã thể hiện rõ mục tiêu đó.

Phát biểu trước báo giới Israel và quốc tế tại Tel Aviv trước khi lên đường, ông Lieberman cho biết châu Phi là một phần trong kế hoạch phát triển các kênh ngoại giao mới của Israel sau nhiều năm vắng bóng ở nhiều khu vực trên thế giới. Ông nói rõ châu lục nghèo khó này có tầm quan trọng to lớn giúp mở rộng và cải thiện vị thế của Israel trên các diễn đàn quốc tế, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế và thương mại.

Theo các nhà phân tích, Israel đang nỗ lực gia tăng các hoạt động ngoại giao trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái khiến các thị trường thương mại truyền thống của nước này như Bắc Mỹ và châu Âu bị giảm mạnh. Mặt khác, chiến lược ngoại giao mới của Israel còn mang ý nghĩa thoát khỏi sự “mặc cảm” của Israel đối với châu lục, nơi mà hầu hết các quốc gia thân A-rập vì lý do chính trị đến nay vẫn chưa công nhận nhà nước Do Thái. Mới đây ngày 31-8, phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) tại Tripoli, Tổng thống Libye Muammar Gaddafi, hiện là chủ tịch luân phiên của AU, cáo buộc Israel chính là nguồn gốc gây ra phần lớn các cuộc xung đột ở lục địa đen, và kêu gọi đóng cửa tất cả sứ quán của Israel ở châu lục này. Vào những năm 1960-1980, Israel từng can thiệp vào các cuộc chiến ở Ethiopia, Uganda và Sudan.

Cũng trong nỗ lực tìm hướng đi mới cho ngành ngoại giao Israel, tháng trước, ông Lieberman đã thực hiện “tua” Nam Mỹ kéo dài 10 ngày đến các nước Brazil, Argentina, Peru và Colombia. Đây cũng là chuyến thăm Nam Mỹ đầu tiên của Ngoại trưởng Israel trong 2 thập niên trở lại đây. Cũng như châu Phi, Nam Mỹ vốn không phải là khu vực “ưu tiên” trong chính sách ngoại giao của Israel trong thời gian qua. Tham vọng của Tel Aviv là có thể thuyết phục các nước thành viên Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) với Israel.

Tuy nhiên, vì những vấn đề lịch sử và chính trị nhạy cảm, các nước Nam Mỹ khó có thể mạo hiểm mở cánh cửa lớn trong quan hệ với Israel. Nhà nước Do Thái vốn hậu thuẫn chủ nghĩa tự do mới và chủ trương áp đặt, can thiệp của Mỹ ở khu vực Tây bán cầu. Nhiều thập niên qua, Mỹ bảo trợ nhiều chế độ độc tài khắp Mỹ La-tinh, Israel ủng hộ bằng cách giúp huấn luyện “biệt đội tử thần” cho các chế độ quân sự tiêu diệt sự nổi dậy của các phong trào vũ trang cánh tả giải phóng áp bức. Chính quyền Israel thời đó còn cung cấp vũ khí và trang thiết bị tình báo chống lực lượng nổi dậy. Ngày nay, người dân Nam Mỹ vẫn còn cái nhìn không thiện cảm đối với lập trường của Israel trong tiến trình hòa bình Trung Đông với Palestine.

Các nhà quan sát cho rằng chủ trương ngoại giao mới của Israel là nỗ lực cần thiết nhằm thúc đẩy quan hệ giữa các nước trong cộng đồng quốc tế. Nhưng để có thể cải thiện hình ảnh cũ và đạt được mục tiêu thiết thực trong sách lược đối ngoại mới đòi hỏi ở Tel Aviv sự kiên trì và thiện chí cụ thể.

PHÚC GIA AN
(Theo Haaretz, All Africa, Yetnews, Aljazeera)

Ngoại trưởng Avigdor Lieberman. Ảnh: JP

Chia sẻ bài viết