15/02/2012 - 09:14

Israel và Iran ngày càng gần bờ vực chiến tranh

Cuộc đối đầu giữa Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Tổng thống Iran Ahmadinejad ngày càng căng thẳng. Ảnh: PA

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã cáo buộc Iran đứng đằng sau cuộc tấn công kép vào các mục tiêu của Israel tại Ấn Độ và Gruzia hôm 13-2, khiến dư luận quốc tế lo ngại cuộc đối đầu giữa Israel và Iran sẽ ngày càng căng thẳng, bùng phát thành một cuộc chiến tranh nguy hiểm.

Như tin đã đưa, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quy trách nhiệm cho Iran tiến hành hai vụ tấn công nhằm vào các nhân viên đại sứ quán Israel ở Gruzia và Ấn Độ, làm ít nhất 4 người bị thương, trong đó có phu nhân một nhà ngoại giao Israel. Ông khẳng định Israel sẽ tiếp tục hành động “mạnh mẽ, có hệ thống và kiên trì” chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ngay lập tức, giới chức Iran đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Israel. Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này Ramin Mehmanparast cho rằng các cáo buộc của Israel thực chất là “chiến tranh tuyên truyền” chống Iran. Ông nhấn mạnh rằng Iran lên án mọi hành động tấn công khủng bố. Cùng ngày, một nghị sĩ Iran, thành viên Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại tại Hạ viện, ông Avaz Heidarpour cũng cho rằng Israel đang “dọn đường để tấn công Iran” khi cáo buộc Tehran dính líu đến các vụ tấn công nhằm vào nhân viên đại sứ quán Israel tại Ấn Độ và Gruzia.

Đài phát thanh Quân đội Israel hôm qua đưa tin Tham mưu trưởng các lực lượng quốc phòng nước này, Trung tướng Benny Gantz đã triệu tập họp các sĩ quan quân sự cấp cao ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công. Tại cuộc họp, ông Gantz tuyên bố Israel không loại trừ thực hiện tấn công trả đũa.

Báo USA Today của Mỹ hôm qua đăng bài viết của Jim Michaels, lo ngại khả năng xảy ra cuộc chiến giữa Israel và Iran. Theo đó, giới phân tích nhận định rằng nếu Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nó có thể trở thành cuộc không chiến phức tạp bởi liên quan đến số lượng máy bay chiến đấu phải thâm nhập vào hệ thống phòng không của Iran và tấn công hàng loạt các mục tiêu cùng lúc. Nó không đơn giản so với các cuộc tấn công của Israel vào lò phản ứng hạt nhân Osiraq của Iraq hồi năm 1981 và cuộc chiến tại Syrie năm 2007, bởi khi ấy Israel chỉ đánh phá các mục tiêu đơn lẻ trên mặt đất.

Theo Jim Michaels, Tehran đã học được từ những cuộc tấn công của Israel nhằm vào Syrie và Iraq. “Các cơ sở hạt nhân của Iran được phân tán đều trên khắp nước, một vài trong số đó được thiết kế chắc chắn có thể chịu được các vụ đánh bom”- Colin Kahl, cựu quan chức Lầu Năm Góc đánh giá tình hình Trung Đông. Các phi công Israel sẽ phải đối mặt một hệ thống rađa và tên lửa được thiết kế nhằm bảo vệ không phận Iran. Các nhà phân tích tình hình Trung Đông cho rằng rất khó dự đoán cuộc tấn công sẽ nổ ra như thế nào. Tuy nhiên có những thử thách không nhỏ đối với Israel nếu họ phát động cuộc chiến.

Theo Charles Wald, người từng chỉ huy chiến dịch không kích của liên quân tại Afghanistan, máy bay Israel có thể thâm nhập hệ thống phòng không của Iran, tuy nhiên họ phải bổ sung các loại máy bay khác có khả năng gây nhiễu sóng rađa hay vô hiệu hóa hệ thống tên lửa của đối phương. Ông Wald cho biết thêm Iran không có các hệ thống tối tân nhất. Vào năm 2010 Nga đã hủy bỏ kế hoạch bán cho Iran tên lửa S-300 đất đối không với mục đích nâng cấp đáng kể hệ thống phòng không của họ. Mặt khác, Israel có số lượng bom lớn có khả năng xuyên thủng các boongke, nhưng một số nhà phân tích cho rằng họ cần các loại vũ khí tinh vi hơn thì mới có thể loại bỏ các cơ sở đã được gia cố tốt của Iran. Nhiều nguồn tin cho biết Mỹ đã cung cấp siêu bom GBU-31 cho Israel.

THANH DƯƠNG
(Theo Guardian, USA Today)

Chia sẻ bài viết