MAI QUYÊN (Theo AFP, National)
Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 2-2 đã lên án chương trình hạt nhân “thiếu suy nghĩ” của Iran, đồng thời cảnh báo “những hậu quả không thể tránh khỏi” nếu Tehran tiếp tục các dự án nguyên tử.
Tổng thống Pháp Macron (phải) và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: AP
Trước đó, Hãng tin AFP dẫn nguồn tin ngoại giao tiết lộ quan điểm của Pháp về “sự cứng rắn” cần thiết trong đàm phán với Iran giữa thời điểm Paris cho rằng chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo đã đạt đến “mức độ nguy hiểm”. Quốc gia Tây Âu cũng lo ngại vai trò được cho ngày càng rõ ràng của Tehran trong cuộc chiến Ukraine.
Củng cố thêm lập trường này, Tổng thống Macron trong một phát biểu sau cuộc họp đã chỉ trích “sự thiếu minh bạch” của Iran đối với các hoạt động hạt nhân trong nước. Về khủng hoảng ở Ðông Âu, chủ nhân Ðiện Élysée cảnh báo Iran sẽ phải chịu thêm các lệnh trừng phạt và ngày càng bị cô lập nếu còn tiếp tục ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ngoài ra, liên quan tình hình bạo lực ở Trung Ðông, Tổng thống Macron đề nghị hỗ trợ giúp hồi sinh tiến trình đối thoại bị đình trệ giữa Israel và người Palestine.
Trước khi cuộc họp giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp - Israel diễn ra, giới quan sát dự báo bạo lực bùng nổ giữa Israel và Palestine gần đây có thể che khuất nỗ lực của Thủ tướng Netanyahu tìm kiếm lập trường chống Iran mạnh mẽ hơn ở châu Âu. Theo kỳ vọng của chính trị gia 73 tuổi, làn sóng biểu tình ở Iran cùng cáo buộc họ cung cấp máy bay không người lái cho Nga sẽ khiến các đồng minh phương Tây từ bỏ mọi hoạt động khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ðể đảm bảo mặt trận chống Iran ở châu Âu, ông Netanyahu còn để ngỏ khả năng từ bỏ lập trường trung lập khi lên tiếng về việc viện trợ quân sự cho Ukraine.
Trong một đánh giá, chuyên gia David Khalfa của tổ chức tư vấn Fondation Jean Jaures trụ sở ở Paris cho biết sử dụng “lá bài Ukraine” không phải không có rủi ro đối với ông Netanyahu. Ðặc biệt khi hệ thống phòng không Nga triển khai ở nước láng giềng Syria, nguy cơ máy bay Israel có thể bị đáp trả cao hơn trong thời gian tới nếu họ tấn công các lợi ích của Iran ở khu vực.
Căng thẳng gia tăng
Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Netanyahu diễn ra sau vụ một cơ sở quân sự ở thành phố Isfahan, miền Trung Iran trở thành mục tiêu tấn công của máy bay không người lái. Tehran quy trách nhiệm cho Israel và cảnh báo có hành động trả đũa nhằm buộc Israel phải trả giá cho mọi “hành vi khủng bố chống Iran”. Hiện Tel Aviv vẫn chưa lên tiếng xác nhận, trong khi truyền thông phương Tây dẫn lời các quan chức giấu tên tiết lộ vụ việc do cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện.
Trong các bình luận về vụ tấn công, mục đích cơ sở quân sự ở Isfahan bị nhắm mục tiêu chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, thành phố 2 triệu dân ở miền Trung Iran là trung tâm sản xuất, nghiên cứu và phát triển tên lửa. Ngoài lắp ráp tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab có khả năng vươn tới Israel, cựu Giám đốc Mossad Danny Yatom cho biết cơ sở này đang phát triển tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ðiều này khiến dư luận lần nữa chú ý chương trình phát triển tên lửa tinh vi của Iran, vốn khiến các đối thủ trong khu vực lo ngại. Những năm gần đây, chính quyền Tehran liên tục tăng cường phát triển năng lực tên lửa tầm xa và hiện sở hữu kho vũ khí tên lửa lớn và đa dạng nhất Trung Ðông. Trước đây, Iran bị tố cung cấp tên lửa dẫn đường chính xác, máy bay không người lái và thiết bị quân sự cho các lực lượng ủy nhiệm thù địch với Israel ở Lebanon và Syria. Vài tuần trước, nước này tiếp tục đứng trước cáo buộc là nhà tài trợ chính máy bay không người lái cho Nga. Tuy nhiên, đối với cuộc tấn công vào Isfahan, giới phân tích chưa rõ liệu có mối liên hệ giữa vụ việc với cuộc chiến của Nga ở Ukraine hay không. Ngược lại, có ý kiến cho rằng vụ việc được thực hiện dựa trên lo ngại về an ninh của chính Israel.l