22/10/2017 - 10:47

IS vẫn là thách thức lớn cho khu vực Đông Nam Á 

Khi quân đội Philippines đẩy lùi những tay súng thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi thành phố Marawi, giới phân tích cảnh báo cuộc nổi dậy của phiến quân Hồi giáo ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa kết thúc.

IS vẫn là nỗi ám ảnh ở Đông Nam Á. Ảnh: freemalaysiatoday 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố giải phóng Marawi hôm 17-10 sau chiến dịch bao vây của quân đội chính phủ suốt 5 tháng. Trước đó, quân đội cũng đã xác nhận cái chết của Isnilon Hapilon (thủ lĩnh Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines) và Omar Maute (thủ lĩnh nhóm phiến quân Maute) trong cuộc giao tranh ở thành phố phía nam nước này. Mặc dù 2 cái chết này là đòn giáng mạnh đối với IS, song tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn là mối đe dọa và thách thức lớn cho các quốc gia Đông Nam Á.

IS muốn biến Mindanao trở thành vị trí tiềm tàng cho cái gọi là “nhà nước” IS tại châu Á, điều này được thấy qua việc chỉ định Hapilon làm “tiểu vương” trong khu vực hồi năm 2014. Trong khi đó, nhóm Maute đã cam kết trung thành với IS. Một trong những nỗi lo hàng đầu của các quan chức quốc phòng ở Philippines lẫn khu vực là mối đe dọa cực đoan hóa ở 600.000 công dân di tản.

Quá trình tái thiết Marawi không hiệu quả được cho có thể tạo ra cảm giác thù hằn và xa lánh ở những người Hồi giáo trẻ, tiềm ẩn nguy cơ đẩy họ đến với các nhánh của những nhóm phần tử cực đoan và mạng lưới các phiến quân. Theo giới phân tích, các đối tượng này chỉ được kiểm soát tốt nếu công tác tái thiết và nỗ lực khôi phục diễn ra mạnh mẽ.

Ngoài ra, cái chết của các thủ lĩnh nói trên không có nghĩa tổ chức khủng bố này bị xóa sổ bởi đây là hệ thống “phức tạp và có khả năng thích nghi”. Julkipli Wadi - Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hồi giáo thuộc Đại học Philippines - cho rằng không tránh khỏi việc Hapilon và Maute sẽ được thay bằng các thủ lĩnh khác trong các nhóm, vì thế họ cũng trở thành đại diện IS tại châu Á. Chẳng hạn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Chủ nghĩa khủng bố Philippines Rommel Banlaoi nhận định người lấp vào chỗ trống của Hapilon sẽ là cấp phó của y: Furuji Indama.

Trong hàng ngũ của Maute, có nhiều tay súng người nước ngoài, bao gồm những người đến từ Malaysia và Indonesia, thậm chí ở tận Trung Đông. Nếu hồi hương, các tay súng này cũng sẽ mang theo kinh nghiệm trận mạc vô giá vào các cuộc nổi loạn tại nước họ. Lực lượng vũ trang Philippines cũng tin rằng trong số dàn lãnh đạo Maute có cả Mahmud Ahmad - người được xem là một trong những phần tử thánh chiến có sức ảnh hưởng nhất Malaysia và từng được đề xuất trở thành thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á. Ahmad vốn trách nhiệm huy động tài chính cho cuộc chiến ở Marawi. Tuy nhiên, báo Channel News Asia dẫn các báo cáo cho biết đối tượng có chức danh Giáo sư đại học này đã bị quân đội tiêu diệt trong cuộc giao tranh ở Marawi.

THANH BÌNH (Theo CNN, Diplomat) 

Chia sẻ bài viết