 |
Hệ thống radar phát hiện tên lửa của Israel. Ảnh: Defense update |
Theo hãng tin UPI, không lực Israel đang huấn luyện một tiểu đoàn cách sử dụng các thiết bị thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa mới có tên gọi là Iron Dome (Vòm sắt) được thiết kế để bắn hạ rốc-két tầm ngắn. Quân đội Do Thái bắt đầu xây dựng tiểu đoàn mới này khi ngày 15-7 họ đã lần đầu tiên bắn hạ thành công một rốc-két Grad. Theo dự kiến, những đơn vị tên lửa đầu tiên của hệ thống phòng thủ mới này sẽ được triển khai ở Sa mạc Negev vào tháng 5-2010 nhằm đánh chặn rốc-két Qassam và Grad do các tay súng Hamas phóng từ Dải Gaza. Hệ thống chống rốc-két tầm ngắn được quân đội Israel nghĩ tới từ năm 2003, nhưng các nỗ lực nghiên cứu mới được thúc đẩy sau cuộc chiến tại miền Nam Liban cách đây 3 năm.
“Vòm sắt” do tập đoàn chế tạo vũ khí Rafael của Israel phát triển, có chức năng phát hiện và tiêu diệt rốc-két, súng cối 155 mm, có tầm bắn dưới 70 km. Hiện tại, không lực Israel chưa có hệ thống phòng thủ nào đủ khả năng chống lại rốc-két Grad do Iran chế tạo hay rốc-két Qassam do Hamas sản xuất. Trong khi đó, trong vòng 8 năm qua, các tay súng Palestine từ Dải Gaza đã bắn hơn 6.000 quả rốc-két Qassam vào Israel. Trong chiến dịch quân sự 22 ngày của quân đội Israel tại Dải Gaza hồi cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Hamas đã sử dụng 800 rốc-két Grad và Qassam để trả đũa. Tình báo Israel tin rằng Hamas có rất nhiều nhà máy sản xuất rốc-két có tầm bắn 6-40 km. Ngoài mối lo từ Hamas tại Dải Gaza, Israel còn bị ám ảnh bởi 4.000 rốc-két Katyusha mà lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Liban sử dụng trong cuộc chiến hồi mùa hè năm 2006. Các chuyên gia quân sự Israel dự đoán rằng Hezbollah có thể đang sở hữu khoảng 40.000 quả rốc-két các loại.
Theo hãng tin AP, “Vòm sắt” có chi phí phát triển hơn 200 triệu USD. Riêng mỗi quả tên lửa đánh chặn có giá tới 40.000 USD. “Vòm sắt” sử dụng 2 radar có tính năng phát hiện để tính toán nhanh đường bay của rốc-két. Nếu tính toán thấy rằng rốc-két sẽ rớt xuống các khu vực không có dân cư, tên lửa đánh chặn sẽ không được phóng lên (để tiết kiệm chi phí).
Không chỉ có “Vòm sắt”, quân đội Israel cũng đang đặt hàng chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung “Đũa thần” (Magic Wand, hay còn gọi là Davids Sling) để bắn hạ tên lửa có tầm bắn từ 70-250 km. Các nhà hoạch định quân sự Israel cho biết Rafael sẽ hoàn thành hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến này vào năm 2012-2013 để hỗ trợ cho “Vòm sắt”. Còn để chống lại tên lửa tầm xa khoảng 2.000 km như Shahab-3 của Iran, quân đội Israel đang gấp rút triển khai tên lửa Arrow II do tập đoàn Boeing (Mỹ) và tập đoàn công nghiệp không gian Israel hợp tác sản xuất. Tên lửa Arrow, do Mỹ hỗ trợ phần lớn kinh phí, được Israel bắt đầu nghiên cứu chế tạo từ sau khi Iran bắn hàng chục tên lửa hù dọa về hướng Thủ đô Tel Aviv trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.
PHÚC KIẾN
(Theo UPI, Strategypage, AP, Le Figaro)