11/06/2023 - 07:40

Iraq lo ngại ảnh hưởng năng lượng của Trung Quốc 

TRÍ VĂN

Thương mại dầu mỏ là trọng tâm trong mối quan hệ song phương Trung Quốc - Iraq. Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng dầu xuất khẩu của Iraq. Ước tính cho thấy, lượng dầu mà Trung Quốc mua từ Iraq tăng gần 50% hồi năm 2022. Tuy nhiên, mối quan hệ năng lượng giữa Bắc Kinh và Baghdad không chỉ gói gọn trong giao dịch thương mại dầu thô.

“Chân rết năng lượng” của Trung Quốc

Nhà máy điện al-Mansuriya, nơi Tập đoàn Điện lực Thượng Hải hồi tháng 4 năm nay đã ký hợp đồng để mở rộng sản lượng điện. Ảnh: Caspianbarrel

Nhà máy điện al-Mansuriya, nơi Tập đoàn Điện lực Thượng Hải hồi tháng 4 năm nay đã ký hợp đồng để mở rộng sản lượng điện. Ảnh: Caspianbarrel

Theo Viện nghiên cứu Trung Đông (MEI), các doanh nghiệp năng lượng nhà nước hàng đầu Trung Quốc đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại Iraq. Bất chấp sự suy giảm gần đây trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”, cam kết đầu tư của Trung Quốc với Iraq vẫn tiếp tục phát triển, chủ yếu là về cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông. Hiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) nắm giữ cổ phần đáng kể tại các mỏ dầu al-Ahdab, Rumaila, Halfaya và Tây Qurna. Hồi cuối năm ngoái, Công ty Thăm dò Dầu mỏ Iraq còn ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) để xúc tiến một dự án được thống nhất hồi năm 2019 nhằm thăm dò một lô dầu ngoài khơi thành phố Basra. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc (PetroChina) đang tìm cách tiếp quản mỏ dầu Tây Qurna-1. Các công ty dầu khí Trung Quốc nhỏ hơn chẳng hạn như Geo-Jade Petroleum hay United Energy Group (UEG) cũng nhảy vào lĩnh vực năng lượng Iraq. Trong khi Geo-Jade Petroleum gần đây ký hợp đồng phát triển các mỏ dầu Huwaiza và Naft Khana, UEG ký hợp đồng phát triển mỏ dầu Sindbad. Đáng chú ý, các chi nhánh dịch vụ của CNPC, gồm Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Dầu khí Trung Quốc (CPECC), BGP Inc., Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP), Công ty Kỹ thuật Khoan Bột Hải và Công ty Mỏ dầu Đại Khánh đều đang hoạt động tại Iraq.

Mặt khác, các nhà thầu Trung Quốc trong những năm gần đây cũng tăng cường hoạt động trong lĩnh vực năng lượng Iraq. Theo công cụ theo dõi đầu tư toàn cầu Trung Quốc AEI, 24 trong số 41 hợp đồng xây dựng do Iraq trao cho các công ty Trung Quốc trong giai đoạn 2007-2022 là dành cho các dự án năng lượng. Điều đáng nói là 15 hợp đồng trong số này do CNPC đảm nhận. Đặc biệt, Iraq hồi năm 2021 là quốc gia nhận được nhiều khoản đầu tư nhất cho các dự án năng lượng thuộc BRI. Còn hồi tháng 4 vừa qua, Tập đoàn hóa dầu quốc gia Trung Quốc (SINOPEC) đã giành được thỏa thuận phát triển mỏ khí đốt Mansuriya gần biên giới Iran.

Theo MEI, CPECC và các nhà thầu Trung Quốc khác đang tìm kiếm cơ hội mới ở Iraq duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022 khi giành được 87% tổng số hợp đồng dự án dầu khí và điện do Iraq trao với tổng trị giá 3,35 tỉ USD. Tháng 11 năm ngoái, Bộ Kế hoạch Iraq còn soạn thảo danh sách các dự án chiến lược do các công ty Trung Quốc thực hiện dựa trên thỏa thuận “đổi dầu lấy tái thiết” được ký hồi giữa năm 2019 mà theo đó các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư tại Iraq để đổi lấy 100.000 thùng dầu/ngày. Thỏa thuận này làm dấy lên nhiều tranh cãi. Những người chỉ trích lo ngại rằng các điều khoản của thỏa thuận có nguy cơ dẫn tới việc Iraq thế chấp tài sản cho Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy vấn nạn tham nhũng và lãng phí.

Các công ty Trung Quốc còn giành được chỗ đứng trong các lĩnh vực hạ nguồn và năng lượng Iraq. Bộ Dầu mỏ Iraq (MoO) gần đây đã trao hợp đồng phát triển nhà máy lọc dầu ở tỉnh Dhi Qar cho một tập đoàn Trung Quốc và hợp đồng xây dựng tổ hợp hóa dầu và lọc dầu trên bán đảo al-Faw cho Tập đoàn Kỹ nghệ Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (CNCEC). Riêng Tập đoàn CITIC ký hợp đồng xây dựng và vận hành giai đoạn 1 và 2 nhà máy điện dầu aI-Khairat ở thành phố Karbala. Về phần mình, Tập đoàn Điện lực Thượng Hải, nơi hồi cuối năm ngoái ký một thỏa thuận khung để phát triển nhà máy điện và khử muối ở Basra, hồi tháng 4 năm nay đã ký hợp đồng để mở rộng sản lượng điện của nhà máy điện al-Mansuriya ở tỉnh Diyala.

Iraq nỗ lực cân bằng đối tác nước ngoài

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng đã bắt đầu dấy lên những lo ngại về tác động chính trị ở Iraq. Vì thế, trong giai đoạn 2020-2022 khi ông Mustafa Al-Kadhimi còn làm thủ tướng, Iraq đã từ chối các đề xuất đầu tư mới của Trung Quốc trong bối cảnh giới chức MoO lo ngại rằng việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ngành dầu mỏ của nước này có thể đẩy nhanh quá trình rời đi của các công ty phương Tây. Do đó, Chính phủ Iraq đã ngăn chặn nỗ lực của Sinopec nhằm thành lập liên doanh với tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của Nga là Lukoil để phát triển mỏ Tây Qurna-2. Tương tự như vậy, khi CNOOC và PetroChina cố gắng mua cổ phần của tập đoàn dầu khí đa quốc gia Mỹ ExxonMobil trong mỏ dầu Tây Qurna-1, Chính phủ Iraq đã ngăn cản thỏa thuận này. Giới chức Iraq cũng được cho đã ngăn chặn Công ty dầu khí BP (Anh) bán cổ phần tại mỏ dầu Rumaila cho CNPC.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani đã vạch ra chương trình nghị sự đầy tham vọng, gồm đạt được khả năng tự cung cấp khí đốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí đốt của địa phương, kéo theo sự thay đổi trong chiến lược của chính phủ theo hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lọc dầu và mở ra “chân trời mới” cho các công ty quốc tế và khu vực tư nhân địa phương.

Chia sẻ bài viết