|
Nỗ lực ngoại giao của Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề hạt nhân của Iran chưa mang lại kết quả. Ảnh: Reuters
|
Chỉ một ngày sau khi Iran chấp nhận thỏa thuận trao đổi nhiên liệu hạt nhân do Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đứng ra làm trung gian, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18-5 đã trình dự thảo nghị quyết trừng phạt mới chống Iran lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Phát biểu trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton mô tả đây là dự thảo nghị quyết trừng phạt chống Iran mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Theo bà Clinton, bản dự thảo đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, dù đó là “sự hợp tác miễn cưỡng” trong 4 vòng đàm phán căng thẳng kéo dài nhiều tuần qua.
Theo hãng tin Anh BBC, dự thảo nghị quyết dài 10 trang có thể được HĐBA LHQ thông qua vào đầu tháng 6 tới. Bản nghị quyết này mở rộng các biện pháp trừng phạt chống Iran bằng cách đánh vào ngành ngân hàng và các ngành công nghiệp khác của Tehran. Dự thảo nghị quyết mới cấm các quốc gia bán vũ khí hạng nặng cho Iran như xe tăng, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa; cấm Iran có bất kỳ hoạt động nào liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; cấm Iran đầu tư vào những hoạt động nhạy cảm ở nước ngoài, như vào các mỏ uranium... Dự thảo nghị quyết cho phép kiểm tra các tàu thuyền, cả khi neo đậu lẫn khi đang lưu thông trên biển, nếu nghi ngờ chúng vận chuyển vũ khí thông thường hoặc những bộ phận tên lửa hạt nhân cho Iran.
Văn kiện trên cũng đồng thời hối thúc các nước không cấp phép cho các ngân hàng Iran hoạt động trên lãnh thổ nước mình và ngược lại, kêu gọi các nước đình chỉ mọi hoạt động giao dịch tài chính liên quan tới chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran. Dự thảo cũng kêu gọi LHQ thiết lập một ủy ban giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Iran và đề xuất các biện pháp tăng cường hiệu lực của các biện pháp trừng phạt này.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice, nói rằng mục tiêu của dự thảo nghị quyết trừng phạt mới là nhằm buộc Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Theo bà Rice, đây là biện pháp “hỗ trợ” chứ không phải để thay thế các nỗ lực ngoại giao đối với Iran. Đại sứ Nga Vitaly Churkin cũng cho rằng dự thảo nghị quyết là biện pháp “phù hợp” và “cân bằng” cho tất cả những quốc gia đang quan ngại về nguy cơ phổ biến hạt nhân và bản thân Mát-xcơ-va không thấy nó tác động đến các hoạt động kinh tế bình thường hay cuộc sống dân sinh ở Iran. Đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông nhấn mạnh mục đích của trừng phạt là đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán và nó không nhằm vào người dân vô tội hay làm tổn hại đến hoạt động thương mại bình thường.
Ông Lý Bảo Đông nhận xét thỏa thuận trao đổi hạt nhân của Iran do Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil làm trung gian vừa được ký kết là một bước đi tích cực và đúng hướng, nên tất cả các bên liên quan cần nắm bắt cơ hội này cho các nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Thế nhưng, đại sứ Pháp Gérard Araud lại cho rằng thỏa thuận này chỉ là một cách xây dựng lòng tin chứ bản thân nó chưa phải là sự kết thúc, bởi Tehran vẫn chưa tuân thủ nghị quyết của hđba trong việc ngừng làm giàu uranium và trả lời các nghi vấn còn bỏ ngỏ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Trong khi đó, đại sứ Brazil Maria Luiza Ribeiro và các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tại LHQ cho biết họ sẽ không thảo luận bất cứ dự thảo nghị quyết trừng phạt nào chống Iran và chỉ muốn đưa thỏa thuận trao đổi hạt nhân mới đạt được giữa Iran với Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ ra trước HĐBA. Hiện IAEA đang chờ nội dung chi tiết thỏa thuận trao đổi hạt nhân này. Nhưng những diễn biến vừa qua cho thấy thỏa thuận tay ba đó đã không nhận được phản ứng tích cực từ Mỹ và đồng minh châu Âu.
KIẾN HÒA (Theo BBC, Reuters và RIA-Novosti)