06/09/2022 - 20:57

Iran muốn đổi khí đốt lấy thỏa thuận hạt nhân 

MAI QUYÊN (Theo Independence, Arab News)

Trong khi Nga hoãn vận chuyển khí đốt cho châu Âu, Iran đang nổi lên như nhà cung cấp tiềm năng với cam kết nguồn nhiên liệu rẻ hơn.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1.

Xét đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các vấn đề năng lượng mà châu Âu gặp phải gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani khẳng định Tehran có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu của phương Tây nếu thỏa thuận hạt nhân được khôi phục và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Theo cố vấn phái đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Mohammad Marandi, châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng, kinh tế trong khi mùa đông đang đến gần. Nếu thỏa thuận hạt nhân thất bại, tình hình càng khó khăn hơn khi các yếu tố bất ổn dẫn tới biến động lớn trên khắp lục địa.

Ðề nghị từ Iran được đưa ra trong bối cảnh lo ngại tiếp tục gia tăng trên khắp châu Âu sau tuyên bố của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đóng đường ống dẫn khí Nord Stream 1 vô thời hạn vì “rò rỉ”. Ðặt trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích cho rằng Iran đang hy vọng lôi kéo Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, từ đó gây áp lực buộc Mỹ chấp nhận các điều kiện của Tehran để đạt thỏa thuận hạt nhân.

Là quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới sau Nga, Iran hiện đồng sở hữu và chia sẻ mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ với Qatar. Nhưng từ năm 2019, xuất khẩu nhiên liệu của Iran bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân; đồng thời tái áp dụng lệnh phong tỏa kinh tế khắc nghiệt đối với Tehran. Kể từ khi nắm quyền vào tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng hồi sinh thỏa thuận nói trên nhưng sau các vòng đàm phán, các bên đến nay vẫn chưa giải quyết được vướng mắc để tiến tới khôi phục thỏa thuận.

Iran có thể “giải cứu” châu Âu?

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu từ tháng 2 đã đẩy giá năng lượng tăng vọt và chi phí dự kiến lên cao hơn khi quan hệ đối đầu với Nga buộc các nước châu Âu chạy đua lấp đầy kho dự trữ khí đốt. Tuần rồi, giá mỗi megawatt điện ở Ðức và Pháp được ghi nhận cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ðầu tuần này, giá khí đốt của khu vực tăng bùng nổ 40% khi vừa bắt đầu giao dịch, dấy lên lo ngại rằng các gia đình ở EU không thể trang trải chi phí sưởi ấm trong mùa đông này. Trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích cho rằng bổ sung nguồn cung khí đốt của Iran vào thị trường thế giới phần nào giúp hạ giá. Nhưng hy vọng Iran sớm đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu lại không phù hợp thực tế, các chuyên gia cảnh báo.

Ðầu tiên, mục tiêu của các nhà lãnh đạo phương Tây hiện nay là giảm chi phí năng lượng để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp cũng như chống lại bất ổn chính trị do lạm phát. Hầu hết các biện pháp can thiệp đang được xem xét đều liên quan giá trần và các khoản vay, thay vì tìm nguồn cung cấp thay thế. Vấn đề quan trọng nữa là cơ sở hạ tầng của Iran. Cộng hòa Hồi giáo tuy sản xuất nhiều dầu khí, nhưng chủ yếu tiêu thụ trong nước. Ðể xuất khẩu lượng khí đốt đáng kể sang châu Âu, Tehran cần xây dựng các đường ống kết nối và quá trình này phải mất nhiều năm để hoàn thành. Do đó, nguồn nhiên liệu Iran hiện có thể xuất khẩu sang châu Âu là rất ít và không thể kịp đáp ứng cho mùa đông năm nay. Ngoài ra, việc Iran cung cấp cho Nga máy bay không người lái có vũ trang để sử dụng ở Ukraine cũng là vấn đề gây tranh cãi. Trong đó, nhiều người lo ngại việc chuyển phụ thuộc năng lượng từ Mát-xcơ-va sang Tehran đặt ra “rủi ro chính trị” khác.

Nhìn chung, ưu tiên trước mắt của châu Âu là vượt qua mùa đông này nhưng về lâu dài họ cần phát triển chiến lược năng lượng mới sau nhiều thập kỷ phụ thuộc khí đốt giá rẻ từ Nga. Thỏa thuận gần đây giữa EU và Azerbaijan nhằm tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Biển Caspi được coi là bước tiến bộ đáng kể. Châu Âu tiếp theo có thể làm việc với Turkmenistan để xây dựng đường ống xuyên Caspi đưa khí đốt tự nhiên từ Trung Á đến EU mà không cần qua Nga và Iran; hoặc khai thác tiềm năng năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải và Bắc Phi. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Biden cần gỡ bỏ rào cản đối với ngành năng lượng Mỹ để hỗ trợ các đồng minh. Càng nhiều dầu khí của Mỹ xuất sang châu Âu thì càng lợi cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương. 

Chia sẻ bài viết