04/10/2022 - 08:45

Iran lo ngại biểu tình làm suy yếu xã hội 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Trước làn sóng biểu tình kéo dài sang tuần thứ 3 liên tiếp,  giới lãnh đạo Iran kêu gọi lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm khắc để tránh nguy cơ gây mất ổn định an ninh quốc gia.

Biểu tình ở Iran tiếp tục lan rộng. Ảnh: Getty Images

Theo đánh giá của giới quan sát, đây là phong trào biểu tình lớn nhất ở Iran kể từ năm 2019. Các vụ phản đối nổ ra đầu tiên vào ngày 17-9 tại lễ tang của cô gái 22 tuổi người Kurd, Mahsa Amini. Trước đó, Amini bị cảnh sát đạo đức bắt giữ ở thủ đô Tehran vào ngày 13-9 vì đeo khăn trùm đầu không đúng quy cách. Ngày 16-9, cảnh sát cho biết cô đã tử vong ở bệnh viện do đau tim nhưng gia đình Amini không chấp nhận lý do trên khi nhìn thấy những vết bầm tím trên chân cô. Nhiều phụ nữ bị giam chung cũng tiết lộ Amini đã bị đánh.

Làn sóng biểu tình sau đó lan rộng ra khắp 31 tỉnh thành với sự tham gia của nhiều tầng lớp trong xã hội. Hãng tin AP dẫn một số báo cáo chính thức cho biết có hàng chục, thậm chí hàng trăm người biểu tình và cảnh sát đã thiệt mạng, còn số bị bắt giữ lên tới hơn 1.500 người. Ban đầu, những người biểu tình tập hợp để phản đối cái chết của Amini và trút giận về tình trạng đối xử hà khắc với phụ nữ ở Iran. Ðược biết, cách đó vài tuần, Tổng thống Ebrahim Raisi đã kêu gọi thực thi nghiêm ngặt hơn nữa quy định bắt buộc về trang phục. Theo luật áp dụng từ năm 1979, phụ nữ có nghĩa vụ phải che tóc, mặc quần áo dài và rộng. Những ai vi phạm sẽ đối mặt hình phạt quở trách công khai, phạt tiền hoặc bị bắt giữ. Trong các vụ tuần hành gần đây, nhiều cô gái trẻ trong cử chỉ thách thức đã xé hijab (khăn trùm đầu) hoặc ném chúng lên trời. Ngoài ra, bắt đầu xuất hiện lời kêu gọi thay đổi thể chế và chấm dứt hơn 4 thập kỷ cai trị của các giáo sĩ Hồi giáo kể từ cuộc cách mạng năm 1979.

Ðể xoa dịu dư luận, đại diện của lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei đã đến chia buồn với gia đình Amini. Tổng thống Raisi cũng cho biết ông và người dân Iran rất “thương tiếc” về cái chết của cô gái trẻ nhưng hành động nổi loạn “sẽ không được dung thứ”. Ðánh giá tình hình hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Qalibaf cho rằng có sự khác nhau giữa các cuộc biểu tình vì mục đích cải cách của giáo viên hay của người về hưu trước đây với biểu tình “gây mất ổn định và muốn lật đổ thể chế” hiện nay. Theo ông, nhiều người tham gia ban đầu không có ý định tìm cách lật đổ chính phủ nhưng dần bị các thế lực thù địch nước ngoài kích động. Trước đó, nhà chức trách Iran không đưa ra bằng chứng nhưng cáo buộc Mỹ và một số quốc gia châu Âu lợi dụng tình hình để gây thêm bất ổn nhằm làm suy yếu tính toàn vẹn xã hội, gây nguy hiểm cho nền kinh tế Iran giữa áp lực trừng phạt. Ngày 2-10, Tổng thống Raisi tuyên bố rằng “âm mưu” của các kẻ thù đã “thất bại”.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Qalibaf kêu gọi lực lượng an ninh trong nước tăng cường đối phó những đối tượng theo ông là gây nguy hiểm cho trật tự công cộng.

Nhiều người dân ở Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ðức, Mỹ, Úc, New Zealand... cũng xuống đường ủng hộ làn sóng biểu tình ở Iran. Chỉ riêng trong ngày 1-10, các cuộc biểu tình phản đối cái chết của Amini đã diễn ra tại hơn 150 thành phố trên toàn thế giới.

Chia sẻ bài viết