03/11/2011 - 09:25

Hy Lạp làm rối giới lãnh đạo châu Âu

Cảnh sát Hy Lạp vất vả ngăn cản người biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Ảnh: Reuters

Hôm qua, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhóm họp khẩn cấp tại Cannes (Pháp) để thảo luận về phương thức đối phó cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sau khi Thủ tướng nước này, ông George Papandreou, ngày 1-11 thông báo sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới mà EU vừa dành cho Hy Lạp. Cuộc họp này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cũng được tổ chức tại Cannes trong hai ngày 3 và 4-11.

Tham dự cuộc họp khẩn để bàn về tình hình “nước sôi lửa bỏng” tại Hy Lạp có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) Jean Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Giám đốc IMF Christine Lagarde và đại diện của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức đã tuyên bố sẽ sử dụng “tất cả mọi phương cách cần thiết” để đảm bảo rằng kế hoạch tổ chức trưng cần ý dân của Hy Lạp không thể làm chệch hướng gói cứu trợ mới trị giá 130 tỉ euro của EU dành cho Athens hôm 26-10. Trước đó một ngày, Điện Élysée ra thông báo khẳng định gói cứu trợ của châu Âu dành cho Hy Lạp là “cách duy nhất” để cứu Athens thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay. Tổng thống Sarkozy cũng kêu gọi Hy Lạp nỗ lực hết sức để tự cứu mình. Ông Sarkozy cho rằng kêu gọi sự đồng lòng của người dân là cần thiết, song cũng không thể bỏ qua sự đoàn kết của tất cả các nước Eurozone.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, các nhà lãnh đạo châu Âu và IMF có lẽ phải xem xét lại những điều kiện đã áp đặt để Hy Lạp được giảm 50% số nợ của giới đầu tư tài chính tư nhân cũng như khoản vay mới 130 tỉ euro. Với những điều kiện ban đầu, chính phủ Hy Lạp buộc phải cắt giảm thêm chi tiêu công như sa thải công chức và người lao động, giảm lương và trợ cấp, tăng giờ làm, tư nhân hóa một số lĩnh vực kinh tế. Các biện pháp kể trên kéo dài trong 3 năm dự kiến sẽ khiến 100.000 lao động bị mất việc. Phần lớn dân Hy Lạp không chấp nhận sự “đánh đổi” này, nên cũng có ý kiến cho rằng việc Thủ tướng George Papandreou kêu gọi trưng cầu ý dân là để gây áp lực ngược lại lên phe đối lập và cả giới lãnh đạo châu Âu.

Có thể nói, tuyên bố của Thủ tướng Papandreou không chỉ đã làm căng thẳng chính trường Hy Lạp, mà còn gây sốc cho toàn bộ chính giới châu Âu. Các nhà lãnh đạo và giới phân tích đều cho rằng quyết định tiến hành trưng cầu ý dân của Hy Lạp sẽ đẩy nước này đối mặt với tình trạng phá sản, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của nước này trong Eurozone. Nếu người dân Hy Lạp nói “không” trong cuộc trưng cầu ý dân, thỏa thuận cứu trợ mới đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 26-10 vừa qua, coi như bị vô hiệu hóa. Giới kinh doanh cũng cho rằng thái độ “tiêu cực” của người dân Hy Lạp đối với thỏa thuận cứu trợ mới này của EU sẽ khiến việc giải ngân, được dự kiến vào giữa tháng 11 này, khoản cứu trợ thứ sáu trị giá 8 tỉ euro trong gói cứu trợ 110 tỉ euro dành cho Athens, được EU/IMF nhất trí hồi năm ngoái, bị bỏ ngỏ.

Liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có kịp tìm ra lời giải cho bài toán Hy Lạp trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh G20, vốn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết cũng không kém phần nóng bỏng và cấp bách như chuyện của Hy Lạp, để đảm bảo với các cường quốc thế giới rằng Eurozone có thể giải quyết cuộc khủng hoảng của mình? Hãy chờ xem.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Cảnh sát Hy Lạp vất vả ngăn cản người biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính ph

Chia sẻ bài viết