08/05/2011 - 21:33

XÃ THẠNH AN, HUYỆN VĨNH THẠNH

Huy động sức dân để phục vụ nhân dân

Đường giao thông ấp G1, xã Thạnh An,
huyện Vĩnh Thạnh.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, những năm qua, chính quyền xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, đã huy động các nguồn lực trong dân để xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng ích nước, lợi dân. Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, cũng như đời sống của nhân dân...

Một trong những công trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh An thực hiện trong năm 2011 là tuyến đường giao thông dọc theo kênh G1 (ấp G1), dài trên 5 km, rộng 2,5m, tổng mức đầu tư trên 4,2 tỉ đồng và 600 ngày công lao động... Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân tỏ ra thông hiểu và chia sẻ với những khó khăn của địa phương. Do đặc điểm Thạnh An là xã vùng ven của huyện Vĩnh Thạnh, thu nhập chủ yếu của người dân là từ sản xuất nông nghiệp nên đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, đa số các hộ đều nhận thức được việc xây dựng các công trình giao thông không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, mà còn đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Từ đó, nhiều hộ nhiệt tình hưởng ứng chủ trương “huy động sức dân để phục vụ tốt hơn cho nhân dân” của Đảng bộ, chính quyền xã.

Sự kiện công trình giao thông ấp G1 chỉ hoàn thành trong vòng 1 tháng (từ vận động kinh phí, lên phương án thiết kế, thi công...) đã chứng minh điều đó. Ông Phan Thành Lý, Trưởng Khối vận xã Thạnh An, cho biết: “Công trình này hoàn thành thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, toàn dân xã Thạnh An nói chung và của 120 hộ dân trong tuyến giao thông kênh G1 nói riêng, đồng thời có sự góp công rất lớn của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an”. Ông Phan Thành Lý, kể: “ Trong những lần Đại tướng về tiếp xúc cử tri tại xã, biết được nguyện vọng của bà con ấp G1 muốn xây tuyến đường này, Đại tướng đã vận động và hỗ trợ toàn bộ xi măng để thực hiện tuyến đường với tổng số tiền trên 700 triệu đồng; ngân sách hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại trên 3 tỉ đồng do nhân dân Thạnh An và giáo dân Giáo xứ Kim Hòa đóng góp. Trong niềm vui được lưu thông trên tuyến đường mới khang trang, chú Phạm Đình Thỏa, ấp G1, cho biết: “Cũng như các công trình giao thông, thủy lợi đã từng làm trước đây, khi thực hiện tuyến đường kinh G1, chính quyền tổ chức họp dân thông báo chủ trương làm đường, giải thích rõ ràng ý nghĩa của công trình sắp thực hiện để lấy ý kiến đóng góp của người dân, khi toàn thể nhân dân thống nhất, thì mới tổ chức thực hiện”. Ông Bùi Văn Nam, ấp G1, cũng phấn khởi bộc bạch : “Khi thực hiện công trình này, gia đình tôi đóng góp 20 triệu đồng. Ai có đất nhiều thì đóng góp nhiều, mỗi mét đường giá bao nhiêu, mức đóng được tính toán hợp lý. Vì vậy, chúng tôi rất yên tâm đóng góp tiền. Ngoài việc đóng góp kinh phí, mỗi gia đình còn cử người tham gia xây dựng đường. Sau khi thực hiện xong tuyến đường, chính quyền, ban giám sát công trình đã tổ chức họp dân để báo cáo việc thu chi rõ ràng...”.

Trước đó, năm 2010, nhân dân xã Thạnh An đã đóng góp trên 3 tỉ đồng và hơn 700 ngày công lao động thực hiện 4 công trình: Trải đá núi nâng cấp đường giao thông các ấp trong toàn xã (kinh phí trên 105 triệu đồng và 179 ngày công lao động); bắc mới 4 cây cầu thuộc các ấp G1 và H2 (kinh phí trên 520 triệu đồng và 400 ngày công); công trình làm bờ kè chống sạt lở tại các ấp (trị giá trên 1,9 tỉ đồng và trên 100 ngày công lao động); công trình làm đường giao thông tại ấp G2 ( kinh phí trên 700 triệu đồng). Anh Phạm Việt Chương, Trưởng ấp H2, cho biết: “Sau khi có chủ trương của xã vận động bà con làm bờ kè chống sạt lở, lãnh đạo ấp đã tiến hành họp dân và lấy ý kiến đóng góp về thiết kế công trình, mức đóng góp,... để nhân dân biết và thực hiện”. Việc xây dựng bờ kè các tuyến kênh không những bảo đảm an toàn cho bà con trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Bà Trần Thị Lan, ấp H2, cho biết: “Nhà tôi có khoảng 30m bờ kè, nên đóng góp khoảng 30 triệu đồng, nhưng tôi thấy rất xứng đáng vì đảm bảo an toàn giao thông, không sợ sạt lở. Hơn nữa, nói là công trình công cộng, nhưng nhà ai nấy làm, trước hết là phục vụ cho lợi ích của chính gia đình mình”. Việc người dân trực tiếp tham gia xây dựng đã giúp cho các công trình đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian thi công. Anh Trần Đức Hiệp, người dân ấp H2, cho biết: “Chủ trương xây dựng công trình do chính quyền địa phương đề xuất, các vị linh mục tham gia vận động, người dân tích cực tham gia đóng góp. Tất cả đã tạo nên bộ mặt nông thôn Thạnh An ngày càng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn...”. Theo lãnh đạo Đảng ủy xã Thạnh An, tất cả mọi việc, từ chủ trương đến các bước tiến hành huy động sức dân để xây dựng các công trình đều được thông báo công khai cho dân biết, người dân trực tiếp cho ý kiến và tham gia thực hiện. Các công trình đều có ban giám sát cộng đồng, ban giám sát công trình, việc quản lý kinh phí và thu mua vật tư đều được thực hiện tốt... Từ đó, người dân tham gia làm công trình chung một cách tự giác, với tinh thần trách nhiệm cao.

Đồng chí Trần Thiện Hoà-Phó Bí thư xã Thạnh An, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ xã, khẳng định: “Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà thời gian qua xã đã huy động sức dân thực hiện được nhiều công trình ích nước, lợi dân. Đảng ủy, UBND cùng các hội, đoàn thể xã cũng thường xuyên phối hợp với các vị chức sắc tôn giáo thông báo tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước... để dân biết, dân bàn và tham gia đóng góp ý kiến. Khi người dân thực sự làm chủ, tự mình quyết định công việc của chính mình, thì bà con càng tích cực đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương”.

Bài, ảnh: THÁI AN

Chia sẻ bài viết