08/03/2012 - 20:36

CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM”

Hướng đến người tiêu dùng trẻ !

Đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2012 tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ảnh: THU HOÀI
 

Giới trẻ được xem là đối tượng tiêu dùng năng động và chiếm số lượng khá đông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do tâm lý “sính ngoại”, việc ưu tiên dùng hàng Việt trong một bộ phận của giới trẻ vẫn còn khá khiêm tốn. Tại Hội thảo “Người tiêu dùng trẻ nỗ lực xây dựng hình ảnh mới của hàng Việt Nam sau 2 năm tiếp sức hàng Việt” trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại An Giang năm 2012, cho thấy nhiều tín hiệu khả quan: Người tiêu dùng trẻ đã và đang quan tâm đến chất lượng, mẫu mã hàng và có những suy tư, trăn trở về hàng hóa do Việt Nam sản xuất!

Thời gian qua, các chương trình Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng như nhiều Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đã có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và đóng góp đáng kể trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”. Song song đó, chương trình “Tiếp sức hàng Việt” được triển khai theo từng giai đoạn, từng chủ đề khác nhau: Từ “Tiếp sức hàng Việt” đến “Hiểu tin hàng Việt”, “Sức sáng tạo Việt qua sản phẩm mới” và hướng đến “Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống” cũng góp thêm sức cho việc quảng bá hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Qua đó góp phần đáng kể trong việc thay đổi tâm lý, hành vi của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ trong lựa chọn sản phẩm hàng Việt, tin dùng hàng Việt.

Tại buổi hội thảo “Người tiêu dùng trẻ trước nỗ lực xây dựng hình ảnh hàng Việt Nam sau hai năm thực hiện chương trình tiếp sức hàng Việt” do Báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp tổ chức với sự đồng hành của các Đại sứ hàng Việt trong khuôn khổ Hội chợ HVNCLC tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cho thấy: Cùng với việc phát triển mạnh về mẫu mã, chất lượng, thì công tác thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng ý nghĩa của việc ủng hộ hàng Việt Nam sản xuất là hết sức quan trọng. Người tiêu dùng có cơ hội trực tiếp lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài trong nỗ lực đưa hàng Việt chất lượng cao, giá cả phải chăng đến tay người tiêu dùng. Từ đó người tiêu dùng dần hình thành niềm tin, đồng hành với sản phẩm, với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ bỏ dần thói quen “sính ngoại” khi mua sắm.

Tại Hội thảo “Người tiêu dùng trẻ trước nỗ lực xây dựng hình ảnh hàng Việt Nam sau hai năm thực hiện chương trình tiếp sức hàng Việt”, với trên 500 sinh viên Trường Đại học An Giang tham gia cùng với nhiều câu hỏi thắc mắc được các bạn sinh viên đặt ra xoay quanh các vấn đề như: Nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng như thế nào? Chất lượng sản phẩm hàng Việt, chất lượng các dịch vụ chăm sóc khách hàng, những chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho sinh viên ra sao? Hay các Đại sứ hàng Việt làm gì để người tiêu dùng tin và ưu tiên dùng hàng Việt?... Tất cả các câu hỏi giao lưu đều được đại diện các công ty, BSA, Đại sứ hàng Việt lắng nghe, giải đáp trong không khí cởi mở, thân thiện. Điều này cho thấy khoảng cách giữa nhà sản xuất và NTD trẻ ngày càng gần lại, sản phẩm Việt dần được sự quan tâm, chiếm được chỗ đứng nhất định trong giới trẻ.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, từ trước đến nay, đa phần các doanh nghiệp chủ yếu tập trung thúc đẩy việc buôn bán hàng hóa, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc đến nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ về ý thức ủng hộ hàng Việt Nam sản xuất. Vì lẽ đó, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng trẻ quay lưng với hàng nội. Làm thế nào để NTD trẻ nhận thức được giá trị, ý nghĩa của hàng Việt và ưu tiên dùng hàng Việt là điều các đại sứ hàng Việt cũng như các DN luôn trăn trở. Huỳnh Kim Mai, sinh viên năm thứ 2, Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học An Giang, bày tỏ: “Vì sao các sản phẩm sữa Việt Nam được cho là ngon, bổ và rẻ không thua các hãng sữa của nước ngoài, nhưng các sản phẩm ngoại vẫn rất được ưu tiên lựa chọn, dễ thấy nhất là tại các siêu thị?”. Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tại Cần Thơ, cho biết: “Qua nhiều buổi hội thảo, diễn đàn về hàng Việt, cũng như nhiều cuộc khảo sát thị trường, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vinamilk nói riêng đã có nhiều cải tiến để sản phẩm không thu kém gì sản phẩm hàng ngoại về chất lượng, mẫu mã. Song, doanh nghiệp Việt do thiếu tiềm lực về vốn, kinh nghiệm nên công tác chăm sóc khách hàng, truyền thông quảng bá sản phẩm vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý “sính ngoại”, để thay đổi thói quen này không thể trong một sớm một chiều. Bởi cuộc chiến dai dẳng trong ý thức và thói quen tiêu dùng của NTD còn chịu tác động rất lớn từ nhiều luồng thông tin, trong đó phần lớn là các phương tiện thông tin đại chúng...”. Đại sứ hàng Việt - Nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ: “Yêu nước có nhiều cách. Sử dụng sản phẩm do các doanh nghiệp của đất nước mình làm ra cũng là một cách rất thiết thực để ủng hộ nền kinh tế phát triển”. Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Phạm Trung Tuấn, Trưởng Bộ môn Quản trị Marketing Trường Đại học An Giang, bày tỏ: “Tôi mong muốn đến một lúc nào đó, chỉ cần nhắc đến hàng Việt Nam, người tiêu dùng sẽ hiểu đó là hàng hóa có chất lượng tốt mà không phải vận động nữa”.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay NTD đã hiểu, tin và sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Đến nay, cả nước có khoảng 59% (trước đây chỉ 23%) người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng Việt Nam trong mua sắm. Với kết quả này, tin rằng, hàng Việt Nam sản xuất dần dần sẽ được ưu tiên tin dùng trong mỗi gia đình Việt Nam.

THU HOÀI- MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết