09/12/2024 - 08:41

Hợp tác giữa Trung Quốc và Nga gia tăng trong năm 2024 

Năm 2024 đánh dấu sự hợp tác gia tăng giữa Trung Quốc và Nga bất chấp lo ngại của phương Tây về mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va.

Chủ tịch Tập (trái) và Tổng thống Putin trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Chỉ trong năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có 3 cuộc họp song phương. “Với những nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Trung - Nga đã tiến triển ổn định. Hai nước có sự phối hợp chiến lược toàn diện và tăng cường hợp tác về thương mại, đầu tư, năng lượng, giao lưu nhân dân cũng như về nhiều lĩnh vực khác” - Chủ tịch Tập phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Putin tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 5.

Theo giới phân tích, mối quan hệ “không giới hạn” mà Bắc Kinh và Mát-xcơ-va tuyên bố ngay trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vẫn tiếp tục được duy trì. “Sự tương tác thường xuyên giữa Trung Quốc và Nga cho thấy cả hai nước đều xem trọng mối quan hệ của họ, bất chấp nhiều rào cản và vấn đề mà họ phải đối mặt” - Philipp Ivanov, thành viên cấp cao tại Viện chính sách xã hội châu Á, nhận định. Ông Ivanov cho rằng mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này có lợi cho cả hai bên. Trong khi Nga trở nên khá phụ thuộc vào thiết bị điện tử của Trung Quốc, Bắc Kinh hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ của Mát-xcơ-va.

Trong năm nay, Trung Quốc và Nga cũng tăng cường các cuộc tập trận quân sự và tuần tra chung ở Biển Đông, Bắc Cực, Địa Trung Hải và Biển Nhật Bản. Theo ông Ivanov, Bắc Kinh và Mát-xcơ-va cố gắng sử dụng các cuộc tập trận quân sự chung để “chứng minh rằng họ có đủ năng lực quân sự ngăn chặn Mỹ”. Các cuộc tập trận này cũng là cơ hội để Trung Quốc và Nga biết được giới hạn trong hợp tác quân sự của họ. “Cùng nhau tập trận nhiều hơn và ở những địa điểm khác nhau sẽ tạo ra mối liên hệ nhất định giữa quân đội hai nước - thành phần quan trọng nhất hiện đang thiếu trong quan hệ Trung - Nga” - ông Ivanov đánh giá.

Ngoài ra, Trung Quốc và Nga còn tìm cách thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, thách thức hệ thống toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Một phần trong nỗ lực đó là mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng như Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Ban đầu, BRICS gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nhưng đến nay đã được mở rộng để kết nạp các quốc gia khác từ châu Phi và Trung Đông. Năm 2024, Belarus trở thành quốc gia mới nhất gia nhập SCO, trong khi BRICS kết nạp thêm 5 thành viên gồm Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, Ethiopia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE). Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia cũng vừa chính thức nộp đơn xin vào BRICS. Theo Sari Arho Havren, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, các quốc gia này “cảm thấy họ có thể tăng cường sức mạnh thông qua các thể chế đa phương như BRICS hay SCO”.

Đồng quan điểm, Manoj Kewalramani, Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Takshashila (Ấn Độ) cho rằng sở dĩ nhiều quốc gia gia nhập BRICS là bởi họ coi BRICS là một nền tảng giúp họ có tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu cũng như trong việc định hình các quy tắc toàn cầu.

Giới chuyên gia cho rằng chính việc nhiều quốc gia Nam bán cầu bị trật tự thế giới đa cực hấp dẫn đã giúp củng cố nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự coi nước này là nhà lãnh đạo Nam bán cầu. “Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brazil vừa qua, Chủ tịch Tập đã mô tả mô hình quản trị của Trung Quốc là mô hình dành cho các nước đang phát triển. Tôi nghĩ điều đó phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc tự coi nước này là nhà lãnh đạo Nam bán cầu” - bà Havren cho biết.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết