05/01/2011 - 15:34

Hổ thêm cánh

Trước lễ Giáng sinh năm rồi, Trung Quốc đã đại diện nhóm 4 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) chính thức mời Nam Phi gia nhập khối này với tư cách thành viên đầy đủ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã mời Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma sang Bắc Kinh vào tháng 4 năm nay dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 của BRIC và cũng là lần đầu tiên tổ chức này có thêm chữ S (South Africa – Nam Phi) đứng sau.

Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế Nam Phi, bà Maite Nkoana-Mashabane, đã gọi quyết định trên của BRIC là “món quà Noel quý giá nhất chưa từng có” dành cho Nam Phi, đồng thời cho biết đây là kết quả từ các nỗ lực vận động của Tổng thống Zuma kể từ khi ông lên nắm quyền tháng 12-2007, đặc biệt là chuyến công du của ông tới cả 4 quốc gia thuộc BRIC.

So với các thành viên của BRIC, Nam Phi chỉ là quốc gia nhỏ bé nếu xét về tầm vóc nền kinh tế lẫn dân số. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ khoảng 286 tỉ USD, chưa bằng ¼ GDP của Nga hay 1.600 tỉ USD của Ấn Độ, chứ chưa thể so sánh với 2.000 tỉ USD của Brazil hoặc 5.500 tỉ USD của Trung Quốc. Dân số của Nam Phi cũng chỉ có 49 triệu người, trong khi của Nga là 142 triệu, Brazil 191 triệu, Ấn Độ 1,2 tỉ và Trung Quốc 1,36 tỉ. GDP của Nam Phi thậm chí còn thua xa các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá như Hàn Quốc (830 tỉ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (615 tỉ USD) hay Mexico (875 tỉ USD).

Vậy thì tại sao BRIC lại chọn Nam Phi?

Bà Nkoana-Mashabane giải thích rằng Nam Phi có nền kinh tế đa dạng và tiên tiến nhất tại châu Phi, nên dù có tầm vóc nhỏ, nước này vẫn có thể mở ra nhiều cơ hội cho nhóm BRIC và qua đó thúc đẩy hội nhập kinh tế của cả châu lục đen. Ngoài ra, Nam Phi là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) và là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Hơn nữa, Nam Phi là một trong những đại diện quan trọng của các nước đang phát triển chiếm đa số trên thế giới, nên sự vươn lên của BRIC thành BRICS như “Hổ thêm cánh”, trở nên cân bằng hơn với Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G-7) gồm Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Ý và Canada.

Theo dự báo, GDP của G-7 so với phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục giảm từ mức 63% hiện nay xuống dưới 50% năm 2012, trong khi GDP của BRIC sẽ tăng từ 27,8% năm 2010 lên khoảng 49% vào cuối thập niên này.

PHÚC GIA AN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết