30/11/2008 - 09:40

Hình mẫu chống đói nghèo ở Brazil

Chị da Silva (giữa) trong vườn cam nhà mình, có được nhờ chương trình Bolsa Familia.
Ảnh: CSM

Chương trình phúc lợi Bolsa Familia - trả lương cho phụ nữ nghèo để họ tiếp tục nuôi con ăn học và theo đuổi các chương trình bảo vệ sức khỏe - đã đưa Brazil trở thành gương điển hình về xóa đói giảm nghèo trên thế giới.

Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động đến Brazil nhưng nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng mạnh và tầng lớp nghèo không ngừng vươn lên. Tỷ lệ lạm phát thấp, việc dễ tiếp cận các khoản tín dụng cùng mức lương tối thiểu được nâng lên đã sinh ra một tầng lớp người tiêu dùng mới góp phần giữ vững đà phát triển của nền kinh tế. Từ khi có Bolsa Familia - chương trình phúc lợi có điều kiện lớn nhất thế giới dành cho người nghèo - cộng với một loạt sáng kiến bổ sung giúp người nghèo ở các cấp từ trung ương đến địa phương, nhiều người dân Brazil cảm thấy vững tâm với sự ổn định của nền kinh tế - một điều chưa từng có trước đây.

Những cánh đồng khô cằn ở vùng Đông Bắc Brazil dường như tách biệt hẳn với vẻ trù phú của khu vực Đông Nam. Ấy vậy mà tình trạng nghèo đói ở vùng này đã giảm mạnh hơn bất kỳ khu vực nào ở Brazil. 50% nguồn trợ cấp xã hội của nước này được rót về những thị trấn nông thôn nhỏ như Manari, nơi người dân từng đổ xô lên các thành phố với hy vọng đổi đời. Năm năm trước, chỉ số phát triển con người ở Manari được xếp thấp nhất Brazil (theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc), với thu nhập bình quân 30 real (218.000 đồng)/người/tháng và 57% dân số mù chữ.

Ngày nay, Manari đang “thay da đổi thịt”. Năm ngoái, lần đầu tiên thị trấn này có nước sạch phục vụ sinh hoạt. Bệnh xá và trường học cũng được xây dựng. Mùa hè vừa qua, đoạn đường nhựa cuối cùng dài 25 km nối Manari với quốc lộ đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt chính là nhờ chương trình chính phủ trả lương tháng kèm theo điều kiện dành cho 3.000 hộ gia đình, chiếm 2/3 dân số của thị trấn. Tham gia chương trình Bolsa Familia, mỗi tháng các bà mẹ được nhận đến 182 real (1,3 triệu đồng) với điều kiện họ phải duy trì việc học của con mình, đưa chúng đi tiêm chủng và tham gia các chương trình kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bolsa Familia được triển khai lần đầu tại các thị trấn Brazil vào năm 1995. Một năm sau, chương trình được thực hiện ở Mexico trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Bolsa Familia đã được nhân rộng khắp Mỹ La-tinh với hơn chục chương trình được triển khai. Chưa kể 12 chương trình đang được thực hiện khắp thế giới. Hiện nay, Bolsa Familia đã trở thành chương trình xóa đói giảm nghèo có qui mô lớn nhất, và nằm trong số những chương trình thành công nhất, trên thế giới. Nó đã trợ giúp cho 11 triệu hộ gia đình, xấp xỉ 50 triệu người. Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều nước là nhờ qui mô triển khai rộng và cách thực hiện phân cấp - tiền trợ cấp được chính phủ trả qua tài khoản cho người dân và chương trình do chính quyền địa phương quản lý. “Nhiều nước đang coi Brazil là hình mẫu trong cuộc chiến chống nghèo đói. Quốc gia này liên tục đón tiếp các đoàn đến tham quan học hỏi”, Kathy Lindert, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) từng làm việc ở Brazil, cho biết.

Tháng 8 vừa qua, các quan chức Angola, Ghana, Liên minh châu Phi và Ngân hàng Phát triển châu Phi đến thăm trang trại của Maria Joelma da Silva -gương thoát nghèo tiêu biểu ở thị trấn Cumaru (Đông Bắc Brazil) để học hỏi kinh nghiệm chương trình Bolsa Familia. Đối với da Silva, chương trình không chỉ giúp gia đình chị ổn định kinh tế mà còn tạo cho chị cơ hội bám trụ lại nơi chôn nhau cắt rốn. “Chúng tôi muốn người dân châu Phi thấy rằng vẫn có thể có cuộc sống sung túc ở quê hương”, cô chia sẻ. Hiện nay, ngoài việc nuôi được 3 con bò và tậu được 2 hecta đất trồng cam và chanh, da Silva còn bán mật ong và rau cải.

TUYẾT HỒNG (Theo Csmonitor)

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, song song với chương trình Bolsa Familia, chính phủ Brazil cũng đã và đang tạo thêm công ăn việc làm cho người dân - có thêm 8,1 triệu việc làm mới kể từ khi Tổng thống Lula lên nắm quyền năm 2002 - và nâng mức lương tối thiểu từ 200 real (1,45 triệu đồng)/tháng. Trong 5 năm qua, thu nhập của tầng lớp nghèo nhất ở Brazil tăng 22% trong khi người giàu chỉ tăng 4,9%. Theo Quỹ Getulio Vargas, hiện nay 52% người Brazil thuộc tầng lớp trung lưu. Ngân sách cho chương trình Bolsa Familia từ 3,4 tỉ USD năm 2002 tăng lên 13,4 tỉ USD năm 2008.

Chia sẻ bài viết