09/06/2024 - 09:06

Hiểu về bữa ăn lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tật 

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe. Chế độ ăn đa dạng, cân bằng có thể tăng cường miễn dịch; ngược lại, có thể khiến sức khỏe suy yếu, mắc nhiều bệnh tật.

Bữa ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng, giúp đảm bảo năng lượng, nâng cao sức khỏe.

Chuẩn bị bữa cơm hằng ngày luôn là áp lực nặng nề mỗi ngày đối với chị Ngọc Thư ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Gia đình 3 thế hệ của chị Thư, cha mẹ lớn tuổi đều mắc bệnh mạn tính, cao huyết áp và đái tháo đường; chồng chị bị gout và sỏi thận; 2 con nhỏ ở tuổi vị thành niên, trong đó 1 cháu bị nhẹ cân, thấp còi. Chị Thư kể: “Từ việc đi chợ lựa chọn thực phẩm đến chế biến món ăn đều phải tính toán sao cho đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp thể trạng, sức khỏe của mỗi thành viên trong nhà”.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến về Bữa ăn lành mạnh, xua tan nỗi lo bệnh tật, PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết, không có một món ăn tốt nhất mà chỉ có bữa ăn tốt. Không có loại thực phẩm nào có thể đáp ứng tất cả nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể mà phải ăn đa dạng thực phẩm mới cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển thể chất. Khoa học về dinh dưỡng chia thực phẩm làm 2 nhóm, có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Bên cạnh đó, còn có những cách phân loại khác, chia thực phẩm làm nhiều nhóm như chất đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất; nhóm trứng, sữa, các loại đậu, hạt,…

Với độ tuổi khác nhau, các thành viên trong cùng gia đình cũng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, trẻ con thường ăn uống theo sở thích chứ chưa nhận thức đầy đủ vai trò của bữa ăn cân bằng dưỡng chất. Vì thế, phụ huynh cần thiết kế bữa ăn phù hợp nhu cầu năng lượng theo độ tuổi và tình trạng thể chất của trẻ. Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục trẻ ý thức về tầm quan trọng của chế độ ăn hợp lý đối với sức khỏe dài lâu. Còn người cao tuổi đa phần mắc nhiều bệnh lý mạn tính, hệ tiêu hóa, bài tiết đều suy giảm, nên hạn chế các loại thịt mỡ, nội tạng có nhiều chất béo, không quên bổ sung rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Theo các chuyên gia, những bữa ăn lành mạnh không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn giúp ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh tật. Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị, giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, phòng tránh biến chứng và nhanh chóng hồi phục. Những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, mỡ trong máu, suy thận đều có chế độ dinh dưỡng riêng để duy trì sức khỏe, “sống chung với bệnh”. Bệnh nhân ung thư tùy giai đoạn sớm hay muộn, các sản phụ sau sinh… đều cần chế độ dinh dưỡng đặc thù. Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đa phần đều có khoa dinh dưỡng tiết chế hoặc cán bộ phụ trách dinh dưỡng, đóng vai trò tham vấn về chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bệnh trong quá trình điều trị nội trú.

Quá trình chế biến thức ăn, khâu nêm nếm gia vị cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy, thói quen ăn quá ngọt hay quá mặn cũng đều có hại, tiềm ẩn các nguy cơ gây nhiều bệnh lý. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, mỗi người đều cần thiết cập nhật các kiến thức khoa học về dinh dưỡng, áp dụng chế độ ăn lành mạnh trong cuộc sống hằng ngày.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết