06/08/2009 - 21:21

Hiện đại hóa làng nghề chiếu Cà Mau...

Cũng như một số sản phẩm chiếu nổi tiếng ở nước ta, như: chiếu Làng Hới – Thái Bình, chiếu Định Yên ở Đồng Tháp,… sản phẩm chiếu ở Cà Mau từ lâu đã được khá nhiều người biết đến và rất được ưa chuộng. Không dừng lại ở làng nghề sản xuất thủ công nhỏ lẻ, nghề dệt chiếu tại Cà Mau đang được đầu tư và có bước chuyển mình…

* KHÔI PHỤC NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Nhiều bô lão có thâm niên trong nghề dệt chiếu cho rằng, nghề dệt chiếu đã hình thành ở Cà Mau từ hàng trăm năm trước, được duy trì qua nhiều thế hệ cho đến nay. Ở Cà Mau, một số địa danh một thời rất nổi tiếng về nghề dệt chiếu có thể kể đến như: Tân Duyệt-Đầm Dơi, Tân Lộc-Thới Bình... Song, nổi bật là sản phẩm chiếu bông ở xã Tân Thành, TP Cà Mau. Với những đặc tính bền, đẹp, nhiều họa tiết, hoa văn tỉ mỉ... đã tạo nên thương hiệu chiếu Cà Mau được nhiều người biết đến.

 Xã viên HTX dệt chiếu 20 Tháng 10 đang vận hành máy dệt chiếu.

Ngày nay, do chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, diện tích đất trồng lác bị thu hẹp dần. Nhiều hộ vốn gắn bó với nghề dệt chiếu nhưng vì muốn làm giàu nhanh chóng từ nuôi tôm, nên có ý định bỏ nghề. Nghề dệt chiếu dần dần mai một! Thời gian gần đây, trước tình cảnh tôm nuôi thất bát, gíá cả giảm mạnh, nhiều nông hộ đã có ý muốn khôi phục lại nghề dệt chiếu truyền thống xưa kia...

Làng chiếu Tân Thành từng vang bóng một thời. Sau một thời gian khó khăn, làng nghề đã dần được khôi phục. Hình ảnh các bà cụ, cô thôn nữ chăm chỉ, cần mẫn ngồi bên khung dệt để xỏ từng cọng lác, sợi đay làm nên những đôi chiếu bông, chiếu lẫy... đã được thay thế bằng những chiếc máy dệt chiếu hiện đại. Cùng với sự đầu tư ấy, mô hình hợp tác trong nghề dệt chiếu cũng nhanh chóng phát triển. Tỉnh Cà Mau hiện đã thành lập được 3 hợp tác xã (HTX) trong nghề dệt chiếu, phân bổ đều ở 3 địa phương vốn nổi tiếng về nghề này là: Tân Lộc (Thới Bình), Tân Duyệt (Đầm Dơi), Tân Thành (TP Cà Mau). Từ đầu năm 2008 đến nay, 2 trong số 3 HTX đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&PTCN) tỉnh Cà Mau hỗ trợ máy dệt chiếu bán tự động và một số máy móc phụ trợ khác như: máy cuốn chỉ, máy viền bìa, máy chẻ lác,... tổng kinh phí hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Bà Bùi Thị Thủy, Phó chủ nhiệm HTX dệt chiếu 20 Tháng 10, ấp 6, xã Tân Thành, cho biết: “Bây giờ, dệt chiếu bằng máy chỉ cần một người thao tác là làm được thay vì cần 2 người so với cách làm thủ công mà năng suất thì tăng lên gấp... 6 lần. Tuy nhiên, sản phẩm làm bằng máy vẫn chưa đẹp bằng cách làm thủ công truyền thống”.

Tuy vậy từ khi được Nhà nước hỗ trợ máy dệt, số lượng sản phẩm làm ra của các HTX dệt chiếu ở Cà Mau đã nhiều hơn, giảm chi phí thuê nhân công, góp phần tăng lợi nhuận cho các xã viên. Mặt khác, việc áp dụng máy móc vào sản xuất bước đầu đã giúp cho những người bám trụ “nghề chiếu” rút ngắn được thời gian, tăng năng suất và hiệu quả làm việc. Đây là điều kiện thuận lợi để nghề dệt chiếu ở Cà Mau phát triển hơn trong thời gian tới.

Bà Huỳnh Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành, TP Cà Mau cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 170 hộ dệt chiếu, tập trung nhiều ở ấp 6, ấp 3 và ấp 2. Nhận thấy hiệu quả từ việc áp dụng máy móc vào một số công đoạn dệt chiếu, nên nhiều chị em phụ nữ đã xin gia nhập vào HTX dệt chiếu 20 Tháng 10. Tuy nhiên, nỗi lo của người làm chiếu hiện nay là đầu ra sản phẩm. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức và có đầu ra ổn định, đây sẽ là một trong những mô hình kinh tế tập thể góp phần xóa đói giảm nghèo có hiệu quả ở địa phương”.

* ĐỂ LÀNG NGHỀ PHÁT TRIỂN HƠN

Nghề dệt chiếu ở Cà Mau được khôi phục và có bước chuyển mình không chỉ duy trì được làng nghề truyền thống mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Song, để làng nghề này có bước phát triển và mang lại hiệu quả hơn, người làm chiếu ở Cà Mau rất cần chính quyền địa phương, ngành chức năng trong tỉnh trợ giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thỉnh, Giám đốc TTKC&TVPTCN tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong năm 2009, TTKC&TVPTCN tỉnh Cà Mau được nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư trên 850 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện một số dự án phát triển công nghiệp. Trong đó, dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị để khôi phục phát triển một số ngành nghề thủ công truyền thống ở Cà Mau, như: nghề đan đát, nghề dệt chiếu, nghề làm đũa... được ưu tiên. Đến nay, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn đạt trên 50%. Nhờ vậy, làng nghề truyền thống ở Cà Mau nói chung, nghề dệt chiếu nói riêng, hoàn toàn có đủ khả năng để phát triển nếu biết phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương”.

Thời gian vừa qua, sản phẩm chiếu ở Cà Mau không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở địa phương mà còn được tiêu thụ ở nhiều vùng, miền trong cả nước. Mới đây, có một số doanh nghiệp ngoài tỉnh tìm đến tận các cơ sở này đặt hàng với số lượng lớn. Điều đó cho thấy triển vọng phát triển từ nghề này. Tuy nhiên, khả năng hiện tại của các HTX sản xuất chiếu ở Cà Mau chưa đủ cung ứng cho các đơn hàng có số lượng lớn. Bà Bùi Thị Thủy, Phó chủ nhiệm HTX dệt chiếu 20 Tháng 10, cho rằng: “Để cung ứng đơn hàng số lượng lớn, nhất thiết phải chủ động được nguồn nguyên liệu để dệt bằng máy. Trong khi đó, chỉ có loại lác tròn mới phù hợp với máy dệt chiếu hiện đại, mà nguồn lác này ở Cà Mau hiện rất ít. Vì vậy, chúng tôi phải tìm mua nguyên liệu từ các tỉnh khác”.

Thêm tín hiệu vui đối với làng nghề dệt chiếu ở Cà Mau vì mới đây, tại HTX dệt chiếu ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, vừa trồng thí điểm 10ha lác tròn (nguyên liệu chủ yếu để dệt chiếu bằng máy). Nếu mô hình trồng lác thành công, sẽ là điều kiện thuận lợi để nghề dệt chiếu ở Cà Mau phát triển hơn nữa và phát triển bền vững trong thời gian tới...

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết