23/03/2012 - 22:44

Hậu họa nhãn tiền

Mali vừa trải qua binh biến, tất cả các thiết chế nhà nước bị hủy bỏ và Hiến pháp bị “treo”. Nguyên do là các tướng lĩnh quân đội cáo buộc chế độ của Tổng thống Amadou Toumani Toure “bất lực” trước cuộc nổi dậy của phiến quân Tuareg ở miền Bắc từ đầu năm đến nay làm hàng chục người chết và hơn 200.000 chạy lánh nạn sang các nước láng giềng.

Phương Tây lên án mạnh mẽ hành động này bởi họ coi Mali là một “hình mẫu dân chủ hiếm hoi” tại khu vực Tây Phi. Dù bản thân ông Toure là người từng đứng đầu cuộc đảo chính năm 1991, nhưng sau đó trao quyền cho giới dân sự và chỉ lên làm tổng thống năm 2002 thông qua cuộc bầu cử dân chủ. Nhà lãnh đạo 63 tuổi này đã tái cử năm 2007 và tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng tư tới theo quy định của Hiến pháp Mali.

Dư luận báo chí phương Tây cho rằng biến động chính trị tại Mali có tác động từ sự sụp đổ của chế độ Muammar Gadhafi ở Libye. Lực lượng nổi dậy ở miền Bắc Mali chủ yếu được hình thành từ các tay súng của tộc người Tuareg từng làm lính đánh thuê trong quân đội Libye. Một báo cáo cho biết có khoảng 2.000 lính viễn chinh từ Libye trở về đã câu kết với cả ngàn quân ly khai và hàng trăm tay súng tình nguyện trong khu vực tham gia chiến dịch giành quyền độc lập cho miền Bắc, nơi cộng đồng người Tuareg than phiền bị chính quyền trung ương miền Nam “phân biệt đối xử”. Lực lượng này hiện đã chiếm giữ nhiều vị trí quân sự chiến lược trước sự kháng cự yếu ớt và thậm chí là sự rút lui chủ động của quân đội chính phủ. Quân đội Mali chỉ có 7.000 binh sĩ và bị đánh giá yếu kém hơn lực lượng nổi dậy vốn được trang bị hiện đại và đầy đủ từ kho vũ khí khổng lồ của chính quyền cũ ở Libye.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hồi tháng 2-2012 đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Libye sau chiến dịch quân sự do NATO tiến hành nhằm lật đổ chế độ Gadhafi có nguy cơ lây lan sang nhiều nước trong khu vực khi làn sóng hàng trăm ngàn người nghèo khổ và bị tổn thương tinh thần quay về cố hương mang theo một số lượng lớn vũ khí, đạn dược từ Libye. Bộ tộc du mục Tuareg chỉ có 1,5 triệu người, chủ yếu sống ở các vùng biên giới thuộc sa mạc Sahara. Họ là những nhóm người bị tác động nhiều nhất khi cơ hội việc làm ở Libye không còn nữa. Tuareg có tham vọng xây dựng một nhà nước Sahara ở miền Bắc Mali với phần diện tích lãnh thổ bằng cả nước Pháp. Một đất nước rộng lớn nhưng cằn cỗi, lạc hậu và nghèo đói là một hiểm họa an ninh của thế giới.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết