09/11/2019 - 08:35

Hàn Quốc sắp xóa sổ trường “quý tộc” 

Bộ Giáo dục Hàn Quốc ngày 7-11 thông báo quyết định xóa bỏ các trường “quý tộc” trên khắp cả nước kể từ tháng 3-2025, một phần trong nỗ lực cải thiện sự công bằng trong hệ thống giáo dục.

Một lớp học tại trường “quý tộc” Hana Academy Seoul. Ảnh: Korea Portal

Vào năm 2025, các trường tư thục độc lập, trường ngoại ngữ và trường quốc tế sẽ chuyển sang trường bình thường và chúng tôi sẽ đặt nền tảng cho hệ thống tín chỉ trung học phổ thông và giáo dục định hướng tương lai”- Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hae phát biểu trong buổi họp báo tại thủ đô Seoul. 

Ngoài ra, theo bà Yoo, chất lượng giáo dục tại các trường trung học phổ thông công lập cũng sẽ được nâng cao thông qua những chương trình giảng dạy đa dạng và hệ thống tín chỉ mới sẽ được áp dụng trong năm 2025. Theo đó, phụ huynh và học sinh có thể chọn những môn học yêu thích, giống như ở các trường đại học. Bộ Giáo dục sẽ “bơm” gần 2 tỉ USD để thúc đẩy giáo dục ở các trường chính quy trong 5 năm tới.

Hành động mạnh tay trên của Seoul diễn ra trong bối cảnh nhiều người chỉ trích những trường tinh hoa là “thủ phạm” làm gia tăng sự chênh lệch trong giáo dục giữa tầng lớp giàu và nghèo. Tính đến tháng 4 vừa qua, có 42 trường tư thục độc lập, 30 trường ngoại ngữ và 7 trường quốc tế đang hoạt động tại Hàn Quốc, với khoảng 4% học sinh trung học theo học. Trong khi đó, nước này có 1.555 trường chính quy, với tổng số lượng học sinh là 1,1 triệu em. Những trường tư thục, trường ngoại ngữ và trường quốc tế ra đời ở Hàn Quốc vào những năm 1990. Mục đích thành lập các trường này nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh, nhưng ngày càng bị chê là công cụ để những gia đình quyền lực và giàu có đưa con em họ đến các đại học danh giá ở xứ kim chi. Thật ra, trong xã hội Hàn Quốc, bằng cấp của trường danh giá là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của người học, từ nghề nghiệp cho tới viễn cảnh hôn nhân.

Phe chỉ trích cũng đổ lỗi các trường "quý tộc" củng cố thứ bậc trong hệ thống trường học, khuyến khích học sinh cạnh tranh quá mức và thu học phí đắt đỏ. Học phí tại những cơ sở này trung bình cao hơn 3 lần, trong khi phụ huynh thường phải đầu tư với số tiền lớn gấp 1,4-1,7 lần để con em họ trúng tuyển.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Mon Jae-in từng cam kết “cải tổ” hệ thống trường tinh hoa. Nhưng mãi đến gần đây, kế hoạch này mới có thêm động lực, khi xuất hiện bê bối dẫn đến quyết định từ chức của cựu Bộ trưởng Hàn Quốc Cho Kuk hồi giữa tháng rồi. Ngoài chuyện tham nhũng, ông này còn bị cáo buộc lợi dụng quan hệ để đưa con gái vào một trong những trường tư danh tiếng ở Hàn Quốc. Trước đó, Văn phòng Công tố quận Trung tâm Seoul cũng đã triệu tập vợ ông là Chung Kyung-sim, một giáo sư đại học, để thẩm vấn vì nghi ngờ giả mạo giấy giới thiệu của một hiệu trưởng trong đơn xin ứng tuyển vào trường y của con gái. Bà Chung bị bắt hôm 24-10 và sẽ phải hầu tòa.

Chỉ hai tuần sau vụ “bay ghế” của Bộ trưởng Cho Kuk, Tổng thống Mon Jae-in thông báo cái gọi là “những biện pháp tạo dựng lòng tin trong dư luận”, bao gồm thay đổi tỷ lệ những trường hợp được nhận vào đại học dựa trên điểm số đạt được trong kỳ thi đánh giá năng lực vào đại học (CSAT) và đặt dấu chấm hết đối các trường tư thục/ngoại ngữ.

Khoảng 13 trường đại học mà có hơn 25% sinh viên đến từ các trường tư thục tinh hoa cũng đã bị Bộ Giáo dục Hàn Quốc thanh tra hồi tháng 9, trong đó giới điều tra soi kỹ yếu tố “công bằng” và xác thực các tài liệu được nộp trong quá trình tuyển sinh.

HẠNH NGUYÊN (Theo Korea Herald, universityworldnews)

Chia sẻ bài viết