07/09/2017 - 21:21

Hàn Quốc hoàn tất triển khai THAAD 

Thông tin này được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận hôm 7-9. Tuyên bố cũng cho biết việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ là giải pháp “tạm thời” nhằm đối phó các mối đe dọa “cấp bách” từ CHDCND Triều Tiên.

    Người dân địa phương ngăn chặn đoàn xe quân sự chở bệ phóng THAAD hôm 7-9. Ảnh: Reuters

Theo hãng thông tấn Yonhap, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) trước đó đã vận chuyển 4 bệ phóng còn lại trong tổ hợp 6 bệ phóng của hệ thống THAAD đến căn cứ mới tại Seongju, cách Thủ đô Seoul khoảng 300km về phía Nam. Trong cuộc họp chính phủ hôm 7-9, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã giải thích với người dân rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tuy là quyết định “khó khăn” nhưng “không thể tránh khỏi” nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và tính mạng người dân trước mối đe dọa từ Triều Tiên. Đặc biệt giữa lúc có nhiều nguồn tin cho thấy Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hồi tuần rồi có thể tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngay dịp Quốc khánh 9-9.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng nói rõ khả năng triển khai vĩnh viễn THAAD còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá tác động môi trường một cách “triệt để và công bằng”. Hiện tại, người dân địa phương vẫn không chấp nhận việc triển khai THAAD do lo ngại tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng sức khỏe. Một trong lý do khác nữa là sự hiện diện của lá chắn tên lửa Mỹ có thể biến nơi họ sinh sống thành mục tiêu tấn công hàng đầu của Triều Tiên. Hôm 7-9, Hàn Quốc đã huy động hàng ngàn cảnh sát để giải tán đám đông cố ngăn chặn đoàn xe vận chuyển bệ phóng tên lửa đến khu vực triển khai. Yonhap cho biết đã có hàng chục cư dân và cảnh sát bị thương trong cuộc đụng độ sau đó.

Về đối ngoại, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuy không nêu trực tiếp Nga và Trung Quốc nhưng nói rõ chính quyền Tổng thống Moon Jae-in sẽ tham vấn các nước láng giềng liên quan việc triển khai THAAD. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần phản đối quyết định của Hàn Quốc khi cho rằng lá chắn tên lửa của Mỹ chỉ khiến bất ổn gia tăng và là điều kiện để Washington tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm đầu ngày 7-9 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh, rằng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại. Về phần mình, khi được hỏi về khả năng hành động quân sự đối phó Triều Tiên, Tổng thống Trump khẳng định đây không phải là lựa chọn Mỹ ưu tiên nhưng Washington “sẽ chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.

Liên Hiệp Quốc trước sức ép tăng cường trừng phạt Triều Tiên

Hôm 6-9, Reuters cho biết Mỹ đang thúc giục Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua dự thảo nghị quyết trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng tại cuộc họp ngày 11-9, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu khí, cấm xuất khẩu hàng dệt may và tuyển dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Dự thảo nghị quyết còn kêu gọi đóng băng tài sản của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng như phát lệnh cấm nhập cảnh đối với nhà lãnh đạo này cùng 4 quan chức cấp cao khác.

Hiện chưa rõ dự thảo nghị quyết có được sự ủng hộ của Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên, hay không. Về phần Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 6-9 đã nói rõ Mát-xcơ-va phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ nhằm vào Triều Tiên.

Nhưng trong tuyên bố cứng rắn cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết Washington sẵn sàng đơn phương hành động nếu LHQ không thông qua dự thảo nghị quyết. Theo ông Mnuchin, Mỹ đang chuẩn bị sắc lệnh chờ Tổng thống Trump phê chuẩn cho phép nước này chấm dứt hoạt động thương mại, đồng thời áp đặt các biện pháp chế tài đối với bất kỳ quốc gia nào có giao dịch với Triều Tiên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết