24/05/2013 - 22:47

Học thuyết chống khủng bố mới của Mỹ

Hạn chế các cuộc tấn công bằng UAV?

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi diễn thuyết hôm 23-5. Ảnh: Washingtonpost

Trong nỗ lực “kéo” nước Mỹ ra khỏi “vũng lầy” sau 12 năm khởi động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, Tổng thống Barack Obama hôm 23-5 đã cho công bố học thuyết chống khủng bố mới tập trung vào vấn đề hạn chế sử dụng các cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV).

Phát biểu tại Đại học Quốc phòng Mỹ, ông chủ Nhà Trắng nói rằng ông lấy làm tiếc khi các cuộc tấn công bằng UAV là nguyên nhân gây thiệt mạng cho người dân vô tội tại nhiều nước như Afghanistan, Pakistan, Yemen và Somalie. Chẳng hạn, chỉ tính riêng tại Pakistan từ năm 2004 tới nay, Mỹ đã tiến hành 350 cuộc tấn công bằng UAV làm khoảng 3.300 người thiệt mạng, trong đó có hơn 300 dân thường.

Mặt khác, Tổng thống Obama cho rằng Washington cần phải thay đổi sách lược chống khủng bố bởi mối đe dọa từ các mạng lưới cực đoan đã được thu hẹp trên phạm vi nhỏ lẻ. Và đứng trước những chỉ trích về vấn đề thương vong dân sự, ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ giảm các cuộc tấn công bằng UAV - đặc biệt sau thời điểm quân đội nước này rút khỏi Afghanistan vào năm 2014 và chỉ tiến hành khi mục tiêu được xác định là “nghi can khủng bố liên tiếp gây ra mối đe dọa cho người dân Mỹ” hơn là những đối tượng “đe dọa đến lợi ích nước Mỹ”.

Không chỉ vậy, chính sách mới của ông Obama còn thiết lập các tiêu chuẩn về đối tượng của các cuộc không kích, trong đó “phải gần như chắc chắn” rằng những cuộc không kích sẽ không sát hại hoặc làm bị thương dân thường. Theo lời một số quan chức, những tiêu chuẩn trên không chỉ áp dụng cho các công dân Mỹ ở nước ngoài mà đối với tất cả mọi người. Ngoài ra, Tổng thống Obama còn mở rộng quá trình giám sát mà khả năng sẽ thành lập một tòa án bí mật để theo mục tiêu trong các cuộc không kích. Ông Obama cũng cam kết sẽ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khi sử dụng UAV tấn công vào những mục tiêu tình nghi. Để thực hiện chủ trương này, ông đã ký sắc lệnh trao quyền chỉ đạo các cuộc tấn công bằng UAV cho Lầu Năm Góc, thay vì Cục Tình báo Trung ương (CIA) như hiện nay. Đây được coi là một sự thay đổi lớn trong học thuyết chống khủng bố mà Tổng thống tiền nhiệm George Bush bắt đầu triển khai từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Tuy nhiên, CIA vẫn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự bằng UAV.

Sử dụng UAV tấn công các mục tiêu tình nghi dưới mặt đất là vấn đề gây tranh cãi cả trong chính trường và xã hội Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách sử dụng UAV và một số nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho rằng sử dụng UAV “tiết kiệm xương máu cho binh lính Mỹ”. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng đây là thứ vũ khí vừa vô nhân đạo vừa vi phạm luật pháp. Trong nhiều năm qua, lực lượng an ninh Mỹ đã phát hiện một số công dân nước mình “đầu quân” cho al-Qaeda.

Và đặc biệt, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, nhân dân Mỹ phải cảnh giác cao độ nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh từ bên trong như vụ tấn công kinh hoàng tại giải Marathon ở thành phố Boston hồi tháng 4.

VI VI (Tổng hợp)

Đánh bom tự sát kép tại Niger

Hôm 23-5, các tay súng cực đoan trên 2 chiếc xe chứa đầy bom đã thực hiện đồng thời 2 vụ đánh bom tự sát tại một doanh trại quân đội ở thành phố Agadez và một mỏ khai thác uranium do Pháp điều hành thuộc thị trấn Arlit của Niger, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một nhóm các binh lính Niger bị một tên mang bom trên người còn lại bắt cóc làm con tin. “Phong trào vì sự thống nhất và thánh chiến” tại Tây Phi (MUJAO)- một nhánh thuộc al-Qaeda- đã nhận trách nhiệm thực hiện 2 vụ đánh bom đẫm máu này. Đây là nhóm bị lực lượng an ninh quốc tế do Pháp đứng đầu đánh đuổi khỏi miền Bắc Mali hồi năm ngoái. Niger là một trong những nước điều động binh sĩ sang hỗ trợ nước láng giềng giành lại khu vực miền Bắc bị các nhóm Hồi giáo cực đoan kiểm soát.

THANH HẢO (Theo AP, NYTimes)

 

Chia sẻ bài viết