06/12/2011 - 09:03

Hai nạn nhân mới của cuộc khủng hoảng

Slovenia và Croatia vừa trải qua cuộc tổng tuyển cử hôm 4-12 với kết quả là đảng cầm quyền ở cả hai nước này đều thất bại mà nguyên do chính là tác động của cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại châu Âu.

Chính phủ Slovenia của Thủ tướng Borut Pahor thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả cầm quyền sẽ phải nhường quyền lãnh đạo đất nước sau thất bại thảm hại khi chỉ giành được 10,5% phiếu bầu. Nguyên nhân dẫn đến kết cục này là vì Slovenia có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng nợ như nhiều nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà điển hình là Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý.

Từng được coi là hình mẫu thành công của một quốc gia thời hậu Nam Tư (cũ), nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Slovenia bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và rơi vào suy thoái năm 2009. Trong 3 năm qua, thất nghiệp tăng gấp 3 lần (hiện gần 12%), nợ công tăng nhanh từ 23,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007 lên 45,5% GDP năm 2011 và dự kiến hơn 50% GDP vào năm tới. Lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay đã lên tới hơn 7%, mức mà các nhà phân tích tài chính đánh giá là vượt khả năng chịu đựng của một nền kinh tế đang lâm vào suy thoái. Slovenia đang bị đe dọa hạ mức tín nhiệm nợ công với hậu quả sẽ rất nặng nề.

Tuy nhiên, điều làm nên bất ngờ trong cuộc bầu cử ở Slovenia là chiến thắng không đến với đảng Dân chủ trung hữu đối lập của cựu Thủ tướng Janez Jansa, mà với đảng trung tả mới Slovenia Tích cực của thị trưởng thành phố Ljubljana, ông Zoran Jankovic, nguyên chủ tịch tập đoàn siêu thị bán lẻ Mercator lớn nhất nước. Người dân Slovenia tin vào khả năng lèo lái của một trong những người giàu có nhất nước này, cho dù chính quyền mới khó từ chối thực thi hàng loạt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) như đối thủ Janez Jansa cam kết. Cái khó là đảng của ông Jankovic chỉ giành được 28,5% số ghế trong quốc hội 90 thành viên, nên một liên minh cầm quyền mới được dự báo sẽ gặp nhiều trắc trở.

Trong khi đó, Croatia tuy chưa là thành viên Eurozone hay EU, nhưng thất bại của Liên minh Dân chủ (HDZ) cầm quyền cũng bởi do kinh tế suy thoái, thất nghiệp ở mức cao (17,4%) và nợ nước ngoài đã vượt 100% GDP, cho dù Thủ tướng Jadranka Kosor đã mạnh tay chống tham nhũng, giúp Zagreb giành tấm vé gia nhập EU vào năm 2013. Liên minh Kukuriku (Liên minh vì sự thay đổi) đối lập do đảng Dân chủ Xã hội của ông Zoran Milonovic lãnh đạo có đủ ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ mới với cam kết cắt giảm chi tiêu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm ngăn ngừa thảm họa tài chính. Ông Milonovic không loại trừ khả năng phải cầu viện IMF dù điều này sẽ không dễ dàng gì.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết